RSS

Cảm xúc đêm nhạc “Cuộc Đời và Tiếng Hát”

Đó là một đêm nhạc tôi mong đợi, từ lúc nhận được tin là ZAG sẽ tổ chức đêm nhạc tôi luôn hồi hộp mong chờ đến ngày đó, ngày được nghe  những bản tình ca bên tiếng đàn piano với âm điệu tuyệt vời. Zagger chúng tôi đều nỗ lực để đêm nhạc có thể diễn ra thành công vì nhiều ý nghĩa mà chúng tôi tin tưởng. Một đêm nhạc kết nối yêu thương giữa những con người với nhau,  góp thêm được vài viên đá trên cây cầu yêu thương giúp các bé đang ngày phải bơi đi học giữa dòng sông lạnh giá.

Và đặc biệt hơn hết, đó là một đêm nhạc mà tôi biết rằng nó sẽ làm ấm  tâm hồn của nhiều người, sẽ làm tan chảy trái tim của nhiều người – những con người sống tất bật, chạy đua với cuộc sống khó khăn, và những giai điệu âm nhạc thực sự sẽ đưa cho họ trở về với thế giới mà rất nhiều người đã lãng quên, thế giới của tâm hồn, nơi những điệu nhạc du dương sẽ réo rắt vào tâm hồn họ

Vì một người đi không trở lại

Cho một người ngồi đây nhớ mong

Lần đầu tiên được nghe Hiếu hát với cây đàn piano, hoàng tử hát tình ca  đã có màn biểu diễn cực kỳ ấn tượng. Những cặp mắt hướng về sân khấu đăm chiêu hơn, những tràn vỗ tay trở nên to và dài hơn, Tôi vỗ tay không phải vì ủng hộ  hay khuyến khích ca sĩ, tôi vỗ tay  như một bản năng tự nhiên, vỗ rát hết cả tay mà vẫn muốn vỗ tiếp. Có lẽ vì do khán giả quá  tuyệt vời nên mặc dầu ban đầu chỉ dự định hát 3 bài, Hiếu đã hát đến 6 bài mà vẫn còn muốn hát  tiếp

“Anh đưa em theo với, cầm tay em và đưa lối

…. Để  nơi đó, em có thể bên  anh trọn đời” 

Sự xuất hiện tiếp theo của NuKan Trần Tùng Anh và Bích Phương lại  càng làm cho khán giả hài lòng, với bài hát Nơi nào có em và Có khi nào rời xa, hai ca sĩ  trẻ này thực sự đã làm cả khán phòng phải im lặng. Những đôi tình nhân ngồi sát vào nhau hơn, họ dựa đầu vào nhau dưới ánh nến lung linh và cùng mắt hướng về sân khấu, im lặng như sợ rằng sẽ  bỏ lỡ đi những ca từ đẹp đẽ.

“Sometimes it lasts in love but sometimes it hurts instead.”

Cô gái bé nhỏ Thái Trinh bất ngờ xuất hiện với bài hát “Someone Like You”,  với tôi đây là một bản nhạc tuyệt vời, em đã biến tấu giai điệu một cách khéo léo theo đúng con người trẻ trung và nữ tính của em.

Kết thúc bài hát với lời ca nhẹ nhàng và và tiếng đàn guitar mềm mại, một cách xử lý khéo léo hoàn toàn khác với chất giọng mạnh mẽ của Adele nhưng không mất đi ý nghĩa của bài hát.

Nhưng ánh dương khác…….. Còn sáng ngời hơn…….. Mặt trời riêng tôi…  Nơi gương mặt em!”

Tiếp theo là anh Hoàng Bách và Thụy Vũ đã có màn trình diễn phối hợp bất ngờ với bài hát nổi tiếng của AC&M “Mặt trời của tôi – O sole mio” đây là món quà bất ngờ với chương trình  vì sự tái hợp của 2 cựu thành viên của nhóm nhạc môt thời vang bóng và là một lời gửi gắm đặc biệt của người dẫn đầu ZAG – anh Hải, dành tặng cho người con gái mà anh yêu. Không biết em gái đó có cảm nhận được điều này không? Dù em có thể không phải là người đặc biệt với mọi người, nhưng em  thực sự là một vầng thái dương đối với môt người.

Ca khúc người đàn ông trong ngôi nhà vắng của anh Bách thực sự ghi dấn ấn trong khán giả, a Hoàng Bách với cây đàn piano thật xứng đáng với cái tên người ta vẫn gọi anh “Người hát tình ca”.

Tạm dừng không khí của những bài tình ca, bạn Anh Thư – chủ quán café Olive đã tặng chương trình 2 bài hát tiếng Anh mà bạn yêu thích “Killing me softly” và “Life is wonderful” – bài hát thể hiện con người, Thư là người mà tôi và cả ZAG ngưỡng mộ vì  bản lĩnh của bạn. Giọng ca của một ca sĩ không chuyên nhưng cực kỳ dễ thương  đã nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả.

……

Triệu người quen có mấy người thân

…….Khi lìa trần có mấy người đưa?

………

“Bài Không Tên Số 4” – của a Thụy Vũ  là tiết mục mà tôi yêu thích nhất. Giọng ca trầm, ấm của anh luôn làm khán giả phải thổn thức với những ca khúc trữ tình bất hủ.  Lời hát của anh nhẹ nhàng, sâu lắng và không ồn ào. Dù đã trời đã khuya, khán giả cũng thấm mệt  nhưng ai cũng phải ngồi nán lại để  thưởng thức những bài nhạc trữ tình phát ra từ  tâm một người ca sĩ. Anh Thụy Vũ luôn là khách mời đặc biệt của ZAG,  lúc nào cũng dành cho ZAG những tình cảm ưu ái nhất và ủng hộ mọi chương trình mà ZAG thực hiện.

Và đêm nhạc kết thúc với sự góp vui của một ca sĩ đến từ Philipine – anh Joseph. Đây là tiết mục mà bạn Anh Thư – chủ quán café Olive dành tặng cho đêm nhạc. Anh Joseph đã mang đến  những giây phút náo động, vui nhộn cùng với cây đàn guitar khi cùng hát với khán giả những ca khúc tiếng Anh dễ thương “ Heal the world” , “Love you more than I can say” …

Diễn ra liên tục gần 3 tiếng đồng hồ, và hầu hết các khán giả đều ở đến phút cuối. Làng ZAG chúng tôi đã được một bữa ăn tinh thần no nê.

Và điều quan trọng nhất là chúng tôi đã lan truyền được những giá trị tốt đẹp – mang một âm nhạc thực sự đến cho  khán giả

Hi vọng mọi người sẽ tiếp tục ủng hộ ZAG.

Trưởng làng ZAG Village – anh Hải trao tặng thiệp với đầy đủ chữ ký của các ca sĩ tham gia chương trình

Hoàng Phương Thảo

 
Leave a comment

Posted by on May 17, 2012 in Bài viết

 

Tags: , , , , , , , ,

Chuyện về một hầu bàn người Nhật

Cả lượt đi và về Hà Nội – Boston và Boston – Hà Nội, tôi đều quá cảnh ở sân bay Narita, Tokyo chừng dăm tiếng đồng hồ. Khi mua vé, một số người khuyên đừng đi qua Nhật vì có thể bị nhiễm phóng xạ. Nhưng có lẽ vì tôi đã quá cảnh Tokyo nhiều lần rồi nên thành thói quen và cũng thấy nhớ. Và thú thực, tôi cũng muốn được quan sát nước Nhật đang sống như thế nào sau cơn ” tiểu hồng thủy” mới tràn qua cho dù chỉ ở một trong không gian nhỏ là một sân bay. Báo chí đã nói về bản lĩnh và nhân cách người Nhật sau thảm họa sóng thần cũng như bản lĩnh và nhân cách người Nhật sau khi người Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống đất nước này.  Và cả bản lĩnh của người Nhật ngay khi dân tộc họ trở thành một trong những dân tộc giàu có nhất thế giới.

Ở nhiều nơi trong khu vực sân bay Narita, người ta có dán một tờ giấy với nội dung nước Nhật đang gặp khó khăn sau thảm họa sóng thần nên thiếu năng lượng, vì vậy quản lý sân bay xin lỗi hành khách khi hệ thống điều hòa trong khu vực sân bay không thể phục vụ hành khách như trước kia. Lúc đầu không nhìn thấy lời  xin lỗi đó, tôi tỏ ra khó chịu với sự nóng bức trong sân bay sau một chuyến bay quá dài. Nhưng khi đọc được lời xin lỗi đó thì tôi lại thầm xin lỗi những người Nhật. Lúc đó, tôi thấy mình thật ích kỷ. Sống tử tế thật khó. Có lẽ chỉ khi chết rồi con người mới có thể tuyên bố rằng mình đã sống hoàn toàn tử tế.
Tôi là kẻ nghiện thuốc lá. Bởi thế, xuống đến sân bay là tôi đảo mắt kiếm tìm phòng hút thuốc. Cho đến bây giờ, chỉ ở Mỹ là tôi không tìm thấy phòng hút thuốc trong sân bay còn tất cả các sân bay tôi đã từng qua đều có phòng hút thuốc. Nhưng chưa ở đâu, phòng hút thuốc trong sân bay lại rộng, đẹp và sạch như ở sân bay Narita. Tất cả mọi thứ trong phòng hút thuốc ở Narita đều đẹp và sạch như là một phòng khánh tiết. Nhìn là biết những người quản lý sân bay đã quan tâm đến cái phòng hút thuốc như thế nào. Nhưng xin bạn nhớ rằng họ quan tâm không phải vì họ khuyến khích người ta hút thuốc mà là lối sống văn hóa của họ. Hút thuốc có hại sức khỏe cho người hút thuốc và cũng có hại phần nào đó cho người bên cạnh. Nhưng không vì sự có hại đó mà người không hút thuốc tẩy chay người hút thuốc.
Phép ứng xử với những người hút thuốc qua cách thiết kế và chăm sóc các phòng hút thuốc là một phép ứng xử văn hóa của những người quản lý sân bay Narita. Hút thuốc không có tội, nghĩa là không vi phạm luật pháp trừ khi anh hút thuốc ở nơi cấm hút. Và vì vậy, người hút thuốc phải được ứng xử một cách văn hóa và bình đẳng. Tôi nói vậy vì tôi thấy phòng hút thuốc ở nhiều sân bay trên thế giới giống như địa ngục. Một cái phòng nhỏ xíu chỉ dăm người vào hút thuốc là chật cứng. Những người hút thuốc chen nhau trong mù mịt khói thuốc trông thật thảm hại. Có lẽ những người quản lý ở các sân bay đó tìm cách đày đọa và sỉ nhục những người hút thuốc để cho họ phải bỏ thuốc chăng ?
Tôi còn nhớ mãi một trong những câu chuyện đau lòng trong các trại giam giữ những người Việt Nam vượt biên ở Hongkong những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Cảnh sát Hongkong cai quản những trại đó đã ra lệnh những người Việt Nam vượt biên mỗi ngày mỗi người phải bắt 50 con ruồi thì mới được phát khẩu phần ăn. Đó là một sự sỉ nhục. Đó là vô lương tâm. Tôi đã trực tiếp trò chuyện với một số người từ trại đó trở về. Họ đã khóc khi kể lại câu chuyện bắt ruồi để được ăn. Trước kia tôi không nghĩ đến việc bỏ thuốc lá. Nhưng khi nhìn những phòng hút thuốc ở sân bay Narita và cách những người lao công lau chùi phòng hút thuốc đã làm tôi nghĩ tới việc bỏ thuốc lá. Người ta chỉ có thể  thức tỉnh con người bằng văn hóa chứ không bao giờ thức tỉnh con người bằng áp bức dưới bất cứ hình thức nào được.
Trong sân bay Narita. Ảnh: Wikipeadia
Vì thời gian quá cảnh ở sân bay Narita quá dài nên chúng tôi tìm đến một quán ăn trong sân bay. Tôi gọi một bát mì hải sản. Theo trí nhớ của tôi thì giá một bát mì như vậy vẫn không có gì thay đổi sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đặc biệt sau thảm họa sóng thần. Lúc đó, nghĩ lại những cơn bão giá ở trong nước như trận đồ bát quái mà người tiêu dùng không thể tìm thấy đường thoát ra. Khi chúng tôi ngồi vào bàn thì một người hầu bàn bước đến cúi đầu chào chúng tôi và hỏi chúng tôi dùng gì. Rồi anh mang nước cho chúng tôi. Lúc đó, tôi vô tình chạm vào tay anh và làm đổ cốc nước. Nước làm ướt một chiếc giày của tôi. Trong khi tôi lúng túng chưa biết làm gì thì người hầu bàn đã nói lời xin lỗi và quỳ xuống lau chiếc giày của tôi bằng một chiếc khăn trắng tinh. Tôi thực sự bất ngờ và thấy xấu hổ. Tôi nghĩ đến cách ứng xử của những người Việt Nam ở những nơi công cộng. Người hầu bàn lau chiếc giày bị ướt của tôi kỹ lưỡng như đang lau một viên kim cương. Tôi cam chắc rằng nếu một người hầu bàn trong những quán ăn ở Việt Nam cúi xuống lau giày cho khách thì họ sẽ rất xấu hổ. Nhưng họ biết đâu rằng : chính tôi, người có chiếc giày được lau, mới là người thấy xấu hổ chứ không phải là người lau chiếc giày ấy cho tôi.
Khi ăn xong, tôi đã để lại một món tiền tip kha khá vì muốn bày tỏ sự biết ơn của mình với người hầu bàn đó. Nhưng người hầu bàn nói họ không nhận tiền tip. Một lần nữa, tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi cố tìm cách đưa tiền tip cho người hầu bàn nhưng người hầu bàn vẫn nhã nhặn từ chối. Năm 1992, trong chuyến đi đầu tiên của mình đến Mỹ, tôi có đến một quán ăn người Việt ở New York. Khi ăn xong tôi đã để 10 đô la tiền tip lại. Người hầu bàn là một người Mỹ gốc Việt đã tỏ ra vô cùng bực bội với tôi vì tôi đã không để 12 đô la mà chỉ để 10 đô la. Sau này tôi mới biết họ tính phần trăm tiền tip theo tổng giá của bữa ăn. Tôi thực sự không biết điều đó. Sao người hầu bàn kia không giải thích cho tôi? Và sao người hầu bàn kia không có thể nói: “Quý ông còn thiếu 2 đô la tiền tip theo quy định, nhưng nếu quý ông không có 2 đô la thì cũng không sao. Mong quý ông trở lại nhà hàng chúng tôi để chúng tôi được phục vụ quý ông”. Nếu nói như vậy, người hầu bàn và nhà hàng của anh ta sẽ không bao giờ mất 2 đô la (vì đương nhiên tôi sẽ trả thêm) mà còn được một cái gì đó giá trị gấp ngàn lần giá trị của 2 đô la kia. Và chắc chắn những lần tới New York sau đó tôi sẽ tìm đến nhà hàng đó. Bởi có gì hạnh phúc hơn khi được trở lại một nơi chốn đã từng gieo vào lòng mình sự xúc động và kính trọng.  Nhưng bây giờ, trong các nhà hàng ở Mỹ, người ta tính tiền tip vào luôn hóa đơn thanh toán. Nghe rất khoa học và sòng phẳng nhưng vẫn không ổn ở một khía cạnh nào đó.
Sau khi từ chối tiền tip, người hầu bàn hỏi chúng tôi có cần gì nữa mà anh ta có thể phục vụ chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn anh. Anh cúi đầu chào chúng tôi và bước lùi một bước mời chúng tôi đi. Một lời từ chối lịch sự, một cái cúi đầu, một bước đi lùi, một nụ cười thân ái, một gương mặt tự tin chỉ của một người hầu bàn đã một lần nữa làm nên nhân cách người Nhật. Họ đã từ một đất nước nghèo nàn và tan hoang vì chiến tranh trở thành một đất nước văn minh, văn hóa và giàu có. Họ không bán hàng giả, hàng độc hại, họ không dùng tiền hay vũ khí đe dọa người khác.
Sự nhẫn nại của người Nhật là sự rèn luyện nhân cách, là ứng xử văn hóa, là sự tôn trọng con người và ý chí vươn lên. Sự nhẫn nại đó không chứa đựng những tham vọng ngông cuồng và những mưu mô. Cũng như người Nhật đã dạy cho con em của họ về những khó khăn mà dân tộc Nhật phải đương đầu, dạy cho mỗi người Nhật hãy bằng hành động trung thực của mình làm cho văn hóa Nhật, nhân cách Nhật cũng như giá trị những sản phẩm made in Japan lan tỏa vào lòng con người trên toàn thế giới chứ không phải là những cuộc “xâm lăng” đầy mưu tính đôi khi phi nhân và ác độc.
Nguyễn Quang Thiều
Nguồn tccl.info
 
1 Comment

Posted by on May 15, 2012 in Bài sưu tầm

 

X-Team/2: Phát Triển Bản Thân vào Chủ Nhật

X-Team là gì? Một cộng đồng khao khát học và phát triển tri thức.

Trong đợt tuyển thành viên X-Team đợt I có rất nhiều bạn đã đăng ký tham gia. Nhưng do thời gian không cho phép, các bạn không thể học liên tục trong cả 2 ngày thứ Bảy và Chủ Nhật.

Chính vì vậy, X-Team/2 ra đời nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ thật sự muốn phát triển bản thân nhưng chỉ dành được một ngày cuối tuần hiếm hoi.

X-Team/2 sẽ chỉ học từ 05:00-17:00 Chủ nhật, và vẫn được gặp gỡ giao lưu cùng những thành viên X-Team, với giáo trình không thay đổi.

Quyền lợi của bạn khi tham gia X-Team/2:

  • Được huấn luyện và kiểm soát nghiêm khắc quá trình rèn luyện bản thân.
  • Được tham gia vào các quy trình điều hành kinh doanh đặc biệt.
  • Được tham gia  một cộng đồng khao khát phát triển bản thân.
  • Được gặp gỡ và giao lưu đặc biệt với các con người thành đạt và các trí thức đặc biệt của xã hội.
  • Tìm được ý nghĩa sống của cuộc đời mình khi bạn sẽ bước qua rất nhiều lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.

Nhóm X-Team/2 sẽ được chạy vào ngày 13/05/2012.

Khi đăng ký, bạn sẽ có một buổi phỏng vấn đầu vào lúc 16:00 chiều thứ Sáu 11/05/2012 tại Olive Café, 84 Trần Huy Liệu Quận Phú Nhuận.

Để đăng ký X-Team/2, bạn vui lòng gửi email đầy đủ thông tin của cá nhân (có hình) về thaohoang.zag@gmail.com (ĐT: 0905-919-795)

Hẹn gặp bạn, vào một sáng Chủ Nhật.

 
Leave a comment

Posted by on May 9, 2012 in Bài sưu tầm

 

Những ghi chép nhỏ về nước Mỹ

TỪ. Nếu phải mô tả nước Mỹ bằng một từ, tôi sẽ chọn từ “số lượng”. Nước Mỹ có rất nhiều đất đai: mọi công trình xây dựng ở đây đều rộng rãi, thừa mứa không gian. Nước Mỹ có rất nhiều cây xanh: trên đường từ Portland ra bãi biển Seaside, tôi ngờ rằng tôi nhìn thấy cây nhiều bằng những năm trước đó trong đời cộng lại. Siêu thị Mỹ có rất nhiều hàng hóa: chỉ cần bước vào một siêu thị như Costco chẳng hạn, bạn có thể mua được gần như tất cả những thứ cần tìm. Phần ăn ở Mỹ rất to: để ăn hết một suất ăn, cần hai đến ba người Việt có sức ăn trung bình. Nước Mỹ có rất nhiều người. Nước Mỹ có rất nhiều giấc mơ. Nước Mỹ có rất nhiều mọi thứ…

XE HƠI 1. Trừ khi sống ở những thành phố lớn như New York chẳng hạn, rất khó sống ở Mỹ mà không biết lái và không có xe hơi. Chính vì thế, xe hơi không phải để trưng bày độ giàu có mà nó đích thực là, như nó đúng ra là, phương tiện di chuyển. Xe hơi trên đường phố do đó đủ hiệu, đủ hạng, mới, cũ chen lẫn. Trong khi đó, đứng trên đường phố một quốc gia châu Á mới giàu lên như Singapore chẳng hạn, bạn sẽ thấy đa phần là những hiệu xe sang, láng coóng.

XE HƠI 2. Việc lạm dụng xe hơi khiến nước Mỹ tiêu thụ quá nhiều năng lượng dự trữ của thế giới.

KHU. Hãy nói bạn sống ở khu nào, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai. Khi tôi nói tôi ở nhà bạn gần Hyde Park, Chicago, mọi người đều nhận ra ngay đó là khu nhà giàu, không quên thêm rằng nhích thêm một chút về phía Nam thì không an toàn lắm – đó là khu người da đen.

CỘT ĐIỆN. Tôi đã rất thích thú khi nhìn thấy những cột điện bằng gỗ, cũ, ở một thị trấn ven biển, cách Portland hơn một tiếng lái xe.

[MỘT SỐ] NGƯỜI VIỆT Ở MỸ. Tôi gặp một số đồng nghiệp gốc Việt tại hội nghị. Ngay khi tôi vừa nhận ra họ là gốc Việt, nói thử một câu tiếng Việt thì họ sẽ trả lời bằng tiếng Anh. Những đồng nghiệp Trung Quốc của tôi khi gặp những đồng nghiệp gốc Hoa sẽ ngay lập tức chuyển sang líu ríu bằng tiếng Hoa.

KHÁCH SẠN. Lần đầu tiên ở một khách sạn Mỹ, tôi rất ngạc nhiên nhận thấy trong phòng không có bàn chải đánh răng, kem đánh răng, không có dép đi trong phòng, không có két sắt. Thậm chí, khi yêu cầu họ kiếm cho một cái adaptor, thì họ bảo không có, và bảo ra siêu thị mà mua. Rất khác với các khách sạn châu Á. Lần này, rút kinh nghiệm, tôi mang theo mọi thứ cần thiết. Do vậy, thấy khách sạn Mỹ cũng không đến nỗi tệ:).

STARBUCKS. Ở Mỹ, Starbucks gần như đồng nghĩa với cà phê. Có thế thấy logo tròn tròn xanh xanh của Starbucks ở gần như mọi ngã tư đường phố. Cà phê hội nghị tôi dự cũng là cà phê Starbucks. Với nhiều người, Starbucks là một thứ cà phê nhạt tọet. Tuy nhiên, có nhiều cách để uống cà phê, và Starbucks là một trong những cách. Cà phê đậm hay nhạt không quan trọng bằng việc chấp nhận có nhiều cách uống cà phê khác nhau.

LUẬT PHÁP. Khi tôi kể với một người em họ ở Mỹ rằng tôi phải họp cả ngày lẫn đêm, em tôi ngay lập tức nói như thế coi chừng phạm luật về giờ làm việc. Tôi vội vã đính chính buổi tối chỉ ăn và tán dóc, không phải họp. Một người bạn khác kể rằng kể cả cô phải làm việc 13 giờ một ngày, cô chỉ ghi 12 giờ, còn lại 1 giờ ghi sang ngày sau, nếu không, công ty cô sẽ bị phạt. Có vẻ như ở đây ai cũng biết rõ những quy định của pháp luật liên quan đến mình.

VẠCH KẺ VÀNG. Tôi rất thích những vạch kẻ vàng trên những con đường ở Mỹ. Chúng chỉ dẫn rõ ràng về làn đường, nơi đỗ, nơi rẽ trái, rẽ phải. Chúng luôn luôn rất rõ ràng. So với vạch kẻ trắng, trông vạch kẻ vàng mạnh mẽ và quyền lực hơn.

CỬ CHỈ QUỐC GIA. Ở nhà, đứng trong bất kỳ đám đông nào, lấy chính mình làm tâm thì trong bán kính 3 mét thể nào cũng có người đang ngoáy mũi, mà người đó rất có thể nằm ngày tại tâm! Ở Mỹ một tuần, một lần đứng trước gương, tôi chợt nhận ra… lỗ mũi mình rất sạch, do đó hoàn toàn không có nhu cầu… ngoáy mũi!

Nguồn bloggoldmund

 
Leave a comment

Posted by on May 9, 2012 in Bài sưu tầm

 

Văn hóa… để làm gì?

Tôi có một người bạn Philippines tên là Takjit Nahitmit, hình như đấy là biệt hiệu, một kiểu bút danh của anh, chứ không phải tên thật. Anh giải thích cho tôi theo thổ ngữ ở quê anh tên ấy có nghĩa là “Ánh chớp thầm lặng”. Sau một thời gian quen và thân với anh, tôi nghĩ tôi có thể hiểu vì sao anh đã chọn cái bút danh nghe hơi lạ ấy.

Có vẻ như gia đình anh thuộc tầng lớp trí thức lớn và thượng lưu trong xã hội Philippines. Mẹ anh từng là nữ thị trưởng đầu tiên của thủ đô Manila. Còn anh thì đã tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Mỹ, sau đó về làm việc cho một cơ quan của Liên hiệp quốc tại Paris gần chục năm… Cho đến một hôm, anh bỗng từ bỏ tất cả, danh vọng, chức quyền, tiền bạc, kinh thành hoa lệ, rũ áo ra đi, quay về Philippines và cặm cụi làm văn hóa.

Anh có cho tôi xem một số phim do chính anh tự làm đạo diễn, tự quay, tự dựng, tuyệt đối không hề sử dụng diễn viên chuyên nghiệp. Phim truyện hẳn hoi nhưng người đóng là người thường bắt gặp ngoài đường, trong nhà máy, trên đồng ruộng. Có nét gì phảng phất những phim rất hay và rất độc đáo của điện ảnh Iran. Thỉnh thoảng anh sang Hà Nội, đến và đi đều rất nhẹ nhàng, giản dị, thường ăn mặc quần áo dân tộc. Hai cậu con trai anh có mẹ là người Thụy Điển nhưng lại thích ăn mặc, thật lạ, giống người Tây Nguyên ở ta, thậm chí có khi còn đóng khố, rất đẹp.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Takjit rất yêu các nền văn hóa dân tộc thiểu số ở quê anh. Anh có tặng tôi một cây sáo không phải thổi bằng mồm mà bằng mũi, âm thanh réo rắt xa xôi và mơ hồ, rất lạ. Lần nào sang anh cũng gọi điện cho tôi, chúng tôi thường tìm một chỗ vắng và yên tĩnh ngồi với nhau có khi suốt ngày, nói với nhau về công việc của mỗi người, về những ao ước và cả những lo nghĩ của chúng tôi.

Có hôm Takjit đột ngột hỏi tôi: “Theo anh, ở những đất nước như đất nước chúng ta bây giờ, văn hóa cần phải làm gì, có thể làm gì, vai trò của văn hóa là gì, nhất là trong tình hình sôi nổi mà cũng đầy thách thức hiện nay?”. Tôi biết đấy là câu hỏi vẫn khiến Takjit day dứt và quả không dễ trả lời. Tôi nói: “Takjit ạ, thì chính anh phải trả lời cho tôi câu hỏi ấy đi chứ, chính anh đã từng là tiến sĩ kinh tế ở một quốc gia giàu có và hiện đại nhất thế giới, từng sống và làm việc hàng chục năm giữa một Paris hoa lệ đệ nhất hành tinh… Thế mà đột nhiên anh vứt bỏ tất cả để quay về quê hương và chỉ chăm chăm làm văn hóa, lại làm theo cách rất riêng của anh… Vậy, tức là anh đã suy nghĩ nhiều lắm về văn hóa, vai trò của văn hóa, lâu dài và ngay hôm nay, chính anh phải nói với tôi, cho tôi đi chứ…”.

Takjit ngồi trầm ngâm một lúc, rồi hỏi: “Anh có lái xe ô tô không? Anh biết đấy, lái xe rất quan trọng là hai bàn chân đạp, một chân ga và một chân phanh, cũng gọi là chân thắng ấy mà. Và quan trọng nhất chính là chân thắng. Khi nào thì người ta cần đến chân thắng, khi nào thì phải giữ rất chặt, rất chắc chân thắng? Không phải là khi dừng xe, hay khi chạy chậm, mà chính là khi tăng tốc và lại qua cua nữa. Văn hóa, theo tôi, chính là cái chân thắng ấy đấy, của xã hội, của lịch sử, của con người, của một đất nước, một dân tộc. Chứ không phải chân ga. Kinh tế là chân ga.

Văn hóa phải ra sức cổ vũ kinh tế và chính trị, chính các nhà chính trị và kinh tế cũng thường xuyên đòi hỏi, thúc giục văn hóa như vậy… Không phải đâu, hoàn toàn ngược lại. Chính khi kinh tế lao tới thì văn hóa, công việc của văn hóa là phải giữ thắng, chính lúc này mới càng thấy vô cùng cần văn hóa, cần phải có văn hóa để nắm chắc cái thắng của xã hội.Kinh tế lúc nào cũng lao tới phía trước, nhanh hơn, nhanh hơn nữa, nhanh hơn mãi, bao nhiêu cũng không vừa, nhất là đối với những đất nước như đất nước chúng ta, đang phải cố đuổi kịp năm châu bốn biển cũng đang lao tới rất dữ dội, phải cố tăng tốc tối đa có thể để đuổi cho kịp. Và lại phải qua cua, liên tục qua cua. Chính lúc này hơn bao giờ hết cần giữ thật chắc chân thắng. Chính lúc này hơn bao giờ hết cần văn hóa. Nếu không thì cuộc xông tới có rất nhiều nguy cơ lao luôn xuống vực. Tôi cho rằng ở những đất nước như đất nước chúng ta hình như người ta đang hiểu rất lầm về văn hóa, người ta cho rằng khi đất nước đang phải lao tới trong cuộc đuổi bắt lớn này thì văn hóa cũng phải lao theo, văn hóa phải ra sức cổ vũ, reo hò cho cuộc đuổi bắt say mê ấy.

Kinh tế và chính trị tất yếu lao tới, mà văn hóa cũng hăng hái, bồng bột lao theo, thì là nguy cơ, thì xe sẽ đổ xuống vực, rồi tất cả có thể chỉ là vô nghĩa thôi, thậm chí tan nát, hoặc ít ra cằn cỗi cả thôi… Vậy đó, anh thấy không, chính vì vậy mà tôi đã bỏ Boston, bỏ New York, bỏ Paris… tôi trở về với quê hương tôi, tôi lo cho cái nền trong cuộc đuổi bắt thiết yếu và cuộc qua cua, cũng là thiết yếu, cua rất ngặt, rất hiểm của các đất nước chúng ta bây giờ.Khi kinh tế và cả xã hội lao tới, thì văn hóa phải lùi lại một chút, bởi văn hóa là gì, nếu không phải là sự bình tĩnh, bình tâm, sự vững chắc, vững chãi của xã hội và con người. Kinh tế là cần thiết, là quyết định, chính trị cũng vậy, chính trị rất quyết định, nhưng tôi cho là văn hóa mới quyết định hơn, bởi nó là cái nền, nó lâu dài hơn, kinh tế và cả chính trị nói cho cùng cũng chỉ là phương tiện, văn hóa mới là mãi mãi, trường cửu, nó ở với con người, đi cùng con người trên đường dài vô tận của con người; nó lo về cái vì đó mà con người sống, lẽ sống, lẽ hạnh phúc của con người ở đời, cái lẽ vì đó mà con người làm kinh tế và làm chính trị cùng bao nhiêu việc khác.

Tôi nguyện làm một ánh chớp im lặng, anh biết đấy, dấn ga thì rú lên ồn ào, giữ ga thì âm thầm, im lặng, nhưng mà không có nó, không chắc chân chỗ này thì có thể sẽ chẳng còn gì hết, sẽ là vô nghĩa hết, sẽ là điều chúng ta không hề mong muốn…

Cũng có thể nói thế này chăng; kinh tế, chính trị thì kêu gào, cổ vũ, động viên, gọi người ta đua chen, văn hóa thì bình tĩnh và can ngăn… Hình như ở nước anh, cũng như ở nước tôi, có một cái bộ gọi là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch. Du lịch là làm ra tiền, hút thật nhiều khách để có thật nhiều tiền, thể thao thì là ganh đua, cao nhất, xa nhất, nhanh nhất, sao Văn hóa cũng đứng chung vào đó? Tôi thì tôi mong chỉ có một cái bộ gọi là Bộ Văn hóa, để lo việc cơ bản là giữ thắng thôi. Cũng có thể gọi là Bộ của sự Bình Tĩnh Xã hội… Chưa có được một bộ như vậy. Nên tôi xin về làm việc đó, mong là một ánh chớp thầm lặng…”.

Mấy năm gần đây ít thấy Takjit sang, chỉ thỉnh thoảng được thư hay nghe điện của anh. Tôi biết anh đang vất vả lắm, nhưng anh không hề nản chí. Vất vả cũng là đúng thôi. Bởi ý tưởng của anh về văn hóa là khá lạ – mà những gì thật sự sâu xa, sâu sắc thì bao giờ lại chẳng lạ – thậm chí có gì như là lạc lõng giữa cuộc đời đua chen xô bồ bây giờ.

Tôi thường suy nghĩ về ý tưởng của anh, công việc của anh. Tôi khâm phục sự dấn thân lặng lẽ mà quyết liệt của anh. Nó khiến ta muốn nghĩ lại về những gì chúng ta đang làm, có thật là văn hóa không những gì chúng ta đang làm? Hình như chúng ta đang làm rất nhiều, rất nhiều thứ được coi là văn hóa, nhưng văn hóa thật, như anh bạn kỳ lạ của tôi quan niệm và dấn thân, thì chúng ta chưa làm, không làm.

Những gì gọi là văn hóa chúng ta đang làm thường rất ồn ào, mà văn hóa thật thì lại không ồn ào. Nó thâm trầm. Cái thắng có ồn ào bao giờ đâu, trừ khi phải thắng khẩn cấp vì sắp chết đến nơi! Chúng ta chưa thật sự làm văn hóa. Có phải thật thế không? Tôi rất mong được thử trao đổi, để cùng suy nghĩ tiếp. Và để cho cuộc đi tới của chúng ta hôm nay, và cả ngày mai nữa, nhanh mà vững, mà bền, và nói cho cùng, để cho cuộc đi tới của chúng ta hôm nay thật sự đưa đến sự trong lành cho xã hội và hạnh phúc cho con người.

Nhà văn Nguyên Ngọc

Nguồn: Vietnamnet

 
Leave a comment

Posted by on May 2, 2012 in Bài sưu tầm

 

Thế giới như tôi thấy

Dưới đây là một trong những tiểu luận nổi tiếng nhất của Einstein, xuất bản năm 1931, sau này được lấy tên để đặt cho tuyển tập các bài tiểu luận và suy tưởng của ông (đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam bởi NXB Tri Thức). Trong bài này ông trình bày ngắn gọn một thế giới quan mà, đối với cá nhân tôi, vô cùng đẹp và chuẩn xác, nhiều điều trong số đó hoàn toàn có thể dùng để làm tuyên ngôn sống, làm thước đo giá trị. Chúng tôi muốn dùng bản dịch này để tạm kết phong trào viết Tự do tháng tư, bởi trong đây Einstein đã đề cập đến tự do và nhiều vấn đề cốt lõi của cuộc sống. Tạm biệt và hẹn gặp lại. [Bút Chì]

THẾ GIỚI NHƯ TÔI THẤY

Albert Einstein

Rio Lam dịch

Bút Chì hiệu đính

Lạ thường biết bao loài hữu tử chúng ta! Mỗi chúng ta đã ghé thăm nơi đây trong một kiếp ngắn ngủi; cho một mục đích ta không hay biết, dù đôi khi ta nghĩ là ta cảm nhận được nó. Nhưng khi nhìn từ cuộc sống đời thường, mà không đi sâu hơn, lẽ tồn tại của chúng ta nằm ở những người anh em – trước hết là những người mà ta đặt niềm vui của mình vào nụ cười và hạnh phúc của kẻ đó, kế đến là những người không quen nhưng vận mệnh của họ đã nối với ta bằng mối dây đồng cảm. Hàng trăm lần mỗi ngày tôi tự nhắc mình rằng cuộc sống bên trong và bên ngoài của tôi đều nhờ vào công sức lao động của những người khác, dù họ còn sống hay đã chết, và tôi phải tận hiến chính mình để trao đi đúng mức tôi đã nhận và đang nhận. Tôi có nhu cầu sống giản tiện và có những lúc thấy dằn vặt bởi cảm giác mình đang chiếm giữ một lượng dư thừa công sức lao động của những người anh em. Với tôi, sự khác biệt đẳng cấp là bất công và luôn phải dựa trên cường quyền. Đồng thời tôi cũng cho rằng một lối sống giản dị là tốt cho tất cả mọi người, cả về vật chất lẫn tinh thần.

Tôi không tin vào tự do của con người theo nghĩa triết học. Mọi người hành xử không chỉ dưới sức ép ngoại lực mà còn phải thuận theo những nhu cầu nội tại. Câu nói của Schopenhauer, “một người có thể làm như anh ta muốn, nhưng không thể cứ muốn “muốn” là được” (a man can do as he will, but not will as he will) đã luôn là nguồn cảm hứng của tôi từ thời trẻ, nó cũng là sự an ủi vô hạn và dòng suối bất tận của lòng kiên nhẫn, để từ đó đối mặt với những thử thách của cuộc đời, của tôi, và của những người khác. Cảm xúc này đã nhân từ xoa dịu đi ý thức trách nhiệm, vốn rất dễ khiến ta tê liệt; nó giúp ta không quá khắt khe với chính mình và người khác; nó đưa ta đến một góc nhìn cuộc sống mà tại đó, trên tất cả, sự hài hước có vị trí xứng đáng của nó.

Từ góc nhìn khách quan, việc truy nguyên ý nghĩa hay mục tiêu tồn tại của ai đó cụ thể hay của sự sáng tạo nói chung khá vô nghĩa đối với tôi. Thế nhưng mỗi người đều có những lý tưởng riêng để định hướng những nỗ lực và phán xét của mình. Và như thế, tôi chưa bao giờ tìm kiếm sự thỏa mãn và êm ấm như là điểm đến cuối cùng – một nền tảng luân lý mà tôi cho rằng hợp với một đàn lợn hơn. Những lý tưởng đã thắp sáng lối đi của tôi, và ngày qua ngày trao cho tôi can đảm để đối mặt với cuộc sống một cách hân hoan, chính là Chân, Thiện, Mỹ. Nếu không có cảm thức về sự đồng điệu với những người cùng chí hướng, không có sự đau đáu về cái khách quan, cái mãi mãi cao vời trong nghệ thuật và khoa học, cuộc sống với tôi sẽ trở nên trống rỗng. Với tôi, những mục đích tầm thường mà người đời theo đuổi – của cải, sự thành đạt, sự xa hoa – luôn là những điều đáng khinh bỉ.

Ý thức nhiệt thành của tôi dành cho lẽ công bằng và trách nhiệm xã hội luôn đối nghịch một cách cố hữu với việc tôi không có nhu cầu kết nối trực tiếp với các cá nhân hay cộng đồng người. Với trọn trái tim, tôi đích thực là một kẻ sống thu mình, kẻ chưa  bao giờ thuộc về đất nước, mái nhà, bạn bè, hay thậm chí gia đình tôi. Trong sự ràng buộc với những mối quan hệ này, tôi chưa bao giờ đánh mất cảm giác cố hữu về sự tách biệt và nhu cầu cần được cô độc – cảm giác này tăng dần theo tuổi tác. Ta có thể ý thức một cách sâu sắc, mà không hề hối tiếc, về những giới hạn trong tương giao và đồng cảm với người khác. Có thể một người như thế sẽ đánh mất phần nào sự hồn nhiên vô tư, nhưng bù lại, anh ta luôn độc lập trước các quan điểm, thói quen, và sự phán xét của người khác, và không để mình bị chao đảo trên cái nền không lấy gì làm vững chắc đó.

Lí tưởng chính trị của tôi là lý tưởng dân chủ. Hãy để mỗi người được tôn trọng như một cá nhân và không ai được thần tượng hóa. Số phận quả là trớ trêu khi chính tôi lại là đối tượng nhận được quá nhiều sự ngưỡng mộ và trọng thị từ những người anh em, dù tôi chẳng làm gì xứng đáng hay làm chi nên tội. Điều này có lẽ bắt nguồn từ sự khát khao bất thành của nhiều người trong việc thấu hiểu vài ba ý tưởng mà tôi, những ý tưởng mà tôi đã tìm được bằng chút sức mọn của mình qua nỗ lực không ngừng nghỉ. Thực ra tôi cũng biết rằng, để đạt được một mục đích tập thể nào đó, nhất thiết phải có ai đó đứng ra nghĩ, tổ chức và chịu trách nhiệm chung. Nhưng sự lãnh đạo không thể là bắt buộc, người ta phải có quyền chọn cho mình người cầm lái. Một hệ thống chuyên quyền bằng áp bức, theo tôi, sẽ sớm thoái hóa. Vì bạo lực luôn hấp dẫn những kẻ thấp kém về đạo đức, và tôi tin vào một quy luật bất biến rằng những gã bạo chúa thiên tài rồi sẽ được nối ngôi bởi những tên vô lại. Đó là lí do vì sao tôi quyết liệt chống lại những hệ thống như ta đang thấy ở Ý hay Nga hiện nay. Cái làm cho hình thức dân chủ hiện hành của Châu Âu mất tín nhiệm không nằm ở bản thân lý tưởng dân chủ, mà ở sự thiếu ổn định của bộ phận lãnh đạo cao cấp và tính phi nhân của hệ thống bầu cử. Về mặt này tôi cho rằng Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã tìm ra lối đi đúng đắn: họ có một tổng thống có trách nhiệm, được bầu cho một thời gian đủ dài và có đủ quyền lực đủ để thực sự đảm nhận được trọng trách. Mặt khác, điều tôi đánh giá cao trong hệ thống chính trị của chúng ta là phúc lợi rộng rãi dành cho các cá nhân trong trường hợp đau ốm hay khó khăn. Giá trị thật sự trong hoạt động sống của loài người với tôi chẳng phải ở các nhà nước hay quốc gia, mà nằm ở các cá thể sáng tạo, hữu tri, là các nhân cách; chỉ cá nhân mới có thể tạo ra những giá trị chân quý và cao cả, trong khi bầy đàn tự nó vẫn mãi tù đọng trong tư duy và trì độn trong cảm xúc.

Nhân đây tôi muốn đề cập đến quái thai kinh tởm nhất của bản tính bầy đàn: hệ thống quân sự. Chỉ cần kẻ nào cảm thấy thích thú khi đứng vào đoàn duyệt binh theo tiếng quân nhạc là đủ để tôi coi khinh hắn rồi. Anh ta được trời phú nhầm cho bộ não lớn, bởi với anh ta, chỉ cần cột xương sống thôi là đã quá đủ. Bệnh dịch này của nền văn minh cần bị loại trừ càng sớm càng tốt. Chủ nghĩa anh hùng phục tùng mệnh lệnh, bạo lực mù quáng, và những tấn trò hề vô nghĩa lý nhân danh lòng ái quốc: tôi kinh tởm chúng làm sao! Chiến tranh với tôi là một thứ xấu xa đáng khinh bỉ: tôi thà bị băm vằm ra muôn mảnh còn hơn dự phần vào tấn trò khốn nạn đó. Dù sao tôi vẫn luôn nghĩ tốt về nhân loại, và tôi tin rằng, lẽ ra bóng ma này đã có thể biến đi từ lâu nếu lý trí lành mạnh của dân chúng không bị những tham vọng về kinh tế và chính trị, thông qua trường học và báo chí, làm cho bại hoại.

Điều đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm được là cái bí ẩn. Đó là cảm thức nền tảng trong cái nôi của nghệ thuật và khoa học chân chính. Kẻ nào không biết đến nó, không còn khả năng tự vấn hay kinh ngạc, kẻ đó có thể coi như đã chết, chết như một cây nến tàn. Trải nghiệm cái bí ẩn – dù có pha trộn cảm giác sợ hãi – đã sinh ra tôn giáo. Biết về sự hiện hữu của cái mà ta không thể nhìn thấu, của những biểu hiện của lý trí sâu thẳm nhất và cái đẹp rực rỡ nhất, tức về những cái chỉ có thể đến với tâm trí chúng ta trong những hình thức sơ khai nhất; chính cái biếtvà cái cảm này làm nên tính tín ngưỡng đích thực; theo nghĩa đó và chỉ theo nghĩa đó, tôi thuộc về những người có tín ngưỡng sâu xa. Còn một thượng đế theo nghĩa là kẻ ban phát phần thưởng và trừng phạt những tạo vật do chính mình tạo ra, kẻ gần như có một ý chí như người trần thế chúng ta, thì tôi không thể nào hình dung ra được. Tôi không muốn và cũng không thể tưởng tượng ra những cá nhân sống lâu hơn cái chết thể xác; mặc cho những tâm hồn yếu đuối, vì sợ hãi hay vị kỉ lố bịch, tìm đến những suy nghĩ như vậy. Với tôi, sự huyền nhiệm trong tính vĩnh cửu của sự sống, cùng với sự thức nhận và tiên cảm về cấu tạo kỳ diệu của tạo vật cũng như nỗ lực nhẫn nại để nắm bắt lấy một phần dù rất nhỏ bé của cái lý tính tỏa rạng trong cõi tạo hóa này, đã là đủ rồi.

Nguồn: http://being.publicradio.org/programs/einsteinsethics/einstein-theworldasiseeit.shtml

Tham khảo bản dịch của Sonja Bargmann trong cuốn “Albert Einstein: Ideas and Opinions”, Crown Publishers, 1954

 Tham khảo bản dịch Việt của Đinh Bá Anh từ tiếng Đức : http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10681&rb=0301

Sách của NXB Tri Thức cho các bạn muốn đọc thêm: http://nxbtrithuc.com.vn/sach-tri-thuc/sach-moi/212-the-gioi-nhu-toi-thay-tai-ban-lan-thu-tu

 
Leave a comment

Posted by on April 30, 2012 in Bài sưu tầm

 

Niềm tin vào con người Việt

Năm 1983, trong một dịp về thăm nhà ở California, tôi đang loay hoay sửa lại hệ thống tưới nước cho khu vườn trước nhà, áo quần mặt mày lem luốc như một anh lao công Mỹ chính hiệu; thì một người phụ nữ lạ mặt xuất hiện ngoài cổng, cao tiếng, “Ông Tổng; Ông Tổng”. Đã lâu lắm tôi mới nghe lại danh từ này.

Ngạc nhiên, tôi ra mở cửa mời khách vào nhà. Chị giải thích, “Con là nhân viên cắt thịt của nhà máy Dona Foods ở Biên Hòa ngày xưa. Chắc ông không nhớ?” Tôi lắc đầu. Nhà máy có hơn 3.000 nhân viên, ngoài các cán bộ trong ban quản lý, tôi thực sự không biết ai. Chị đưa ra tấm thẻ ID cũ của công ty, đã bạc màu, nhưng vẫn còn nhận rõ tên Dương Thị Gấm, với tấm hình đen trắng ngày xưa rất quê mùa, có cả tên và chức vụ của anh quản lý trong khu vực sản xuất.

Chị tiếp tục kể, “Sau khi chính quyền tiếp thu, con làm thêm 4 tháng rồi bị cho nghỉ vì nhà máy không đủ nguyên liệu để điều hành. Con lên thành phố làm ô sin cho một gia đình vừa ở ngoài Bắc vô. Sau 1 năm, ông chủ được thăng chức điều về Hà Nội. Vì con làm việc tốt, ông đem con đi luôn và con ở ngoài đó đến 2 năm. Trong thời gian làm thuê, có ông nhân viên ngoại giao người Đức cạnh nhà. Ông ta lớn tuổi, nhưng ngỏ ý muốn cưới con và đem về Đức khi mãn nhiệm. Muốn giúp gia đình nên con đồng ý, dù con chỉ mới 22 tuổi trong khi ông ta đã hơn 60.” Tôi nhìn chị kỹ hơn. Năm 1975, chị mới 19, thì năm nay, có lẽ chị chỉ mới 27, nhưng xem chị già và phong trần nhiều. Chị thuộc loại đàn bà xấu, dưới trung bình, lại thêm đôi chân bị khập khễnh. Có lẽ những bệnh tật, bất hạnh và mặc cảm đã làm chị già trước tuổi?

“Con theo chồng về Đức được 3 năm thì phải bỏ trốn, rồi ly hôn, vì ông này mỗi lần say rượu là đánh đập con tàn nhẫn. Con phải vào nhà thương cả chục lần mỗi năm. Không có tiền bạc hay của cải, làm bồi bàn khổ cực, nên con nghe lời rủ rê của bạn bè chạy qua Mỹ tìm đường sống. Con đến Los Angeles được 6 tháng nay.” Đại khái, chị đang làm nhân viên thoa bóp (masseuse) cho một tiệm trên San Bernadino. Thu nhập cũng tạm đủ sống, nhưng có cơ hội, người chủ muốn sang tiệm, nên chị tìm cách mua lại.

Một góc khu chợ của người Việt tại Đông Âu.

Một góc khu chợ của người Việt tại Đông Âu.

“Con dành dụm được hơn 12 ngàn đô la, nhưng còn thiếu 5 ngàn nữa. Nghe tin ông Tổng ở đây, con hy vọng ông giúp cho con số tiền này để con có cơ hội vươn lên”.

Tôi đính chính với chị, tôi đã hết là ông Tổng, hiện nay chỉ là một nhân viên xoàng của một ngân hàng nhỏ ở Wal Street, sống đời trung lưu bình dị như triệu người Mỹ khác. Nhưng may cho chị là hôm ấy, gần ngày Giáng Sinh, tôi thấy rộng lượng và nhất là vừa nhận được tấm chi phiếu khá lớn của ngân hàng cho tiền thưởng cuối năm. Tôi cho chị mượn 5 ngàn và thực sự, không nghĩ rằng mình sẽ thấy lại số tiền này, như nhiều trường hợp vẫn luôn xảy ra với bà con bạn bè.

Nhưng chỉ 6 tháng sau, chị lại tìm đến nhà trả lại số tiền 5 ngàn và còn muốn đưa thêm 3 ngàn tiền lãi. Tôi không có nhà, vợ tôi chỉ nhận lại 5 ngàn không lấy lãi và chúng tôi đều đồng ý là số tiến 5 ngàn khứ hồi này quả là chuyện thần thoại của Hollywood. Chị còn khoe với vợ tôi là đã mua thêm 1 tiệm massage khác.

Bẵng đi 5 năm, tôi không gặp lại chị và cũng không liên lạc gì. Tình cờ, tôi và bạn bè vào một quán ăn khá sang trọng ở Bolsa (quận Cam) và người chủ tiệm đứng đón tiếp chúng tôi là chị Gấm ngày nào. Chị huyên thuyên câu chuyện, “Làm massage có tiền nhưng nhức đầu với nhân viên, khách hàng và cơ quan công lực, nên con bán hết 5 tiệm và quay ra kinh doanh nhà hàng. Ngoài tiệm này, con còn 2 tiệm nữa ở khu phố Tàu và khu đại học UCLA.” Chị cũng khác hẳn lúc xưa. Áo quần thời trang bảnh bao, ăn nói lịch thiệp hơn, cư xử đúng như một bà chủ, và chiếc xe Mercedes đời mới đậu ngay cạnh cửa nói lên sự “thành công” của chị.

Sau bữa ăn miễn phí, tôi cũng không liên lạc gì với chị, vì công việc làm ăn của tôi lúc này đem tôi đi khắp thế giới, không mấy khi về lại California. Cho đến năm 1997, khi tôi đi dự một hội thảo và triển lãm về ngành ngân hàng ở Chicago, chị lại xuất hiện. Tôi đang nghiêm túc ngồi trên bàn làm phối hợp viên (moderator), còn chị thì tươi cười chào tôi trong bộ âu phục của một nhân viên cao cấp (executive), với một thẻ bài đeo trên người có tên rất Mỹ là Christina Spencer. Trong bữa ăn chiều sau hội thảo, chị đưa tấm hình chồng chị và đứa con đã lên 3, rồi tiếp tục, “Trong khi kinh doanh, con đi học thêm vào buổi tối và cuối tuần, cuối cùng cũng lấy được mảnh bằng Cử nhân (Bachelor) về Tài chính (Finance). Sau đó con đi làm cho Wells Fargo (ngân hàng lớn ở California), gặp chồng con là Phó Giám Đốc R&D cho Xerox nên đời sống hai đứa cũng tốt đẹp. Chúng con đang sống ở Palo Alto (một khu giàu của Bắc California cạnh đại học Stanford)”. Một nhân công nghèo hèn, thất học với một nhan sắc kém cỏi, lại gặp nhiều gian truân, chị đã lên tới đỉnh sung túc của một xã hội có sự cạnh tranh khắc nghiệt giữa nhiều loại dân tứ xứ. Tôi nhìn lại chị thêm lần nữa, một biểu tượng đáng khâm phục cho ý chí cầu tiến và sự hy sinh vô bờ để đạt đến giấc mộng của mình.

Dĩ nhiên là chị không nói ra, nhưng tôi tin là trong cuộc hành trình 22 năm vừa qua của chị, đã không thiếu những tình huống hiểm nghèo, cay đắng và tuyệt vọng chị phải đối diện. Sức mạnh nội tại nào đã giúp chị vượt qua và bay cao mới thực sự là “cú đấm thép” mà cộng động chúng ta hay bàn luận.

Không thiếu những trường hợp như chị trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Rời quê hương với hai bàn tay trắng, thiếu sót mọi kiến thức, kinh nghiệm và quan hệ trên xứ người, những người Việt như chị đã vượt lên mọi rào cản, trở ngại để dành cho mình một chỗ đứng dưới ánh mặt trời (a place in the sun).

Tôi cũng còn nhớ một buổi sáng mùa đông nào, khoảng 1990, mấy người bạn đưa tôi đi thăm Chợ Vòm ở Moscow nơi phần lớn người Việt tụ tập mua hàng sỉ để đem về các tỉnh thành xa xôi ở Nga để bán lẻ lại. Tôi đã ái ngại nhìn những thùng đồ nặng trĩu trên đôi vai gầy yếu mỏng manh của vài thiếu nữ Việt Nam, quẩy gánh đi đến các trạm xe lửa, để tải hàng về những nơi như Siberia, Kazakhstan…chỉ nghe tên là đã lạnh run người. Họ là những biểu tượng đẹp nhất của tinh thần và sức sống Việt.

Dĩ nhiên là tôi cũng đã từng gặp những người Việt “xấu xí” trên các nẻo đường thế giới. Những anh chị dốt nát nhờ chút quyền lực, có chút tiền, ra nước ngoài coi trời bằng vung, hành xử với tất cả ấu trĩ của một bậc “đại quê mùa”. Hay những cậu ấm cô chiêu, nhờ tiền rừng bạc biển của cha mẹ cung cấp, ăn chơi đua đòi, nhiễm mọi thói hư tật xấu của bọn sinh viên hoang đàng. Nhưng các người này chỉ là thiếu số giữa một đám đông người Việt thầm lặng, kiên nhẫn, cần cù xây dựng cho mình một tương lai xứng đáng với mọi lời vinh danh cao cả nhất.

Một góc chợ của người việt tại Đông Âu.

Một góc chợ của người việt tại Đông Âu.

Khi nói về sự hãnh diện của dân tộc, tôi nghĩ phần lớn những người Việt tha phương không cho hình ảnh các đại gia với máy bay riêng hay xe siêu sang là sự tiến bộ của xã hội. Hay các chân dài với đủ nhãn hiệu “hoa hậu”, “siêu sao” là biểu tượng của thành công. Hay vài trận bóng đá với các nước láng giềng hoặc những xếp hạng rất vô nghĩa của các nhóm truyền thông quốc tế.

Vả lại, ở lâu trên xứ người, chúng tôi đã chứng kiến những sự giàu sang hay tiếng tăm cả triệu lần các nhân vật hay sự kiện này.

Niềm hãnh diện thực sự của chúng tôi là những Dương Thị Gấm, những cô gái buôn hàng lẻ ở Moscow, những em trẻ đứng đầu bảng ở các trường trung học, những khoa học gia đồng hành cùng các nhân tài thế giới ở rất nhiều viện nghiên cứu, những doanh nhân cạnh tranh ngang ngửa trên sân chơi bằng phẳng của các nền kinh tế tân tiến… Những người Việt đó là động lực khiến chúng tôi phải gắng đi thêm bước nữa trong những giờ phút đen tối khó khăn nhất, phải vượt qua cái kỹ năng hạn hẹp của mình để tỏa sáng.

Trong dòng đời, đối diện những thử thách khó khăn, chính con người “lỳ” như tôi cũng nhiều lúc muốn buông thả. Muốn quay về một góc tối nào đó, an phận với cuộc sống an nhàn, cho qua kiếp người dâu bể. Nhưng nhìn những tấm gương như chị Gấm, tôi thấy mình không có quyền bỏ cuộc. Tôi tự nhủ mình đã quá may mắn, được nuôi dưỡng trong một môi trường lành mạnh, phong lưu, với đủ lợi thế cạnh tranh. Sự thất bại của mình sẽ là một vết nhơ gấp đôi những con người Việt kém may mắn khác. Do đó, mình phải vươn vai đứng dậy để tiếp tục, vì đây là bổn phận và danh dự của mình trước những người bạn đồng hành.

Trước bối cảnh khó khăn hiện tại của kinh tế thế giới, và dự đoán là tình hình sẽ tệ hại hơn (theo nhận định chủ quan của tôi), tôi muốn nói với các doanh nhân trẻ và nhỏ của Việt Nam, trong hay ngoài nước, là nếu những con người như chị Gấm đã làm được, chúng ta cũng sẽ làm được. Điều thú vị nhất là lần ăn tối ở Chicago với chị Gấm, tôi bốc được một lời khuyên trong chiếc bánh may mắn (gọi là fortune cookies mà các nhà hàng Tàu ở Mỹ thường mời khách free. Bánh kèm bên trong một lời bói toán hay một câu nói của doanh nhân). Tôi còn giữ tờ giấy này, “Thua cuộc chỉ là một tình trạng tạm thời. Bỏ cuộc biến nó thành một sự kiện thường trực“. (Being defeated is often a temporary condition. Giving up is what makes it permanent Marlene vos Savant). Chúng ta không tiên đoán về tương lai, chúng ta đang tạo dựng nó hàng ngày.

Alan Phan

Nguồn gocnhinalan.com

 
Leave a comment

Posted by on April 25, 2012 in Bài sưu tầm

 

Bạn thuộc về đâu?

Trên chặng bay từ Las Vegas về Chicago, tôi ngồi cùng dãy ghế với một gia đình trẻ người Trung Quốc. Cả hai vợ chồng khoảng trong tầm 40 trở lại và hai cô con gái, một chừng dưới mười và một tầm mười hai, miệng nói râm ran không ngớt. Một phần câu chuyện tôi nghe được như sau.

– Mommy, will you come back and live in China? – Đứa bé gái lớn hỏi

– Sure – Bà mẹ trả lời, có phần hơi lạnh nhạt và mắt vẫn dán vào quyển tạp chí của hãng Southwest Airlines.

– But when? Đứa lớn tiếp tục.

– When you all grow up and I get old. I need a house with a garden. But I don’t have them here – Bà mẹ trả lời, cuốn tạp chí đã khép lại, mắt hướng ra phía cửa sổ máy bay.

– So mommy… then I’ll have a job. I’ll earn a lot of money. I’ll buy you a house with a garden. I want you to stay here with us, not back to China.

Con bé cứ huyên thuyên mãi. Những điều nó nói ra có vẻ già hơn so với tuổi của nó. Tất nhiên, nó và em nó sẽ lớn lên trở thành những người gọi là Chinese Americans, tiếp thu nền giáo dục hiện đại của nước Mỹ, rồi ra trường, làm việc, đóng thuế, trả nợ, sống một một lối sống công nghiệp bận rộn. Nếu có việc làm tốt, nếu biết sống tiết kiệm, chi tiêu có chừng mực, nó sẽ thừa tiền để mua cho bố mẹ nó một ngôi nhà vườn trên đất Mỹ. Nhưng bố mẹ nó chắc chắn sẽ không cần một ngôi nhà vườn với đầy đủ tiện nghi trên đất Mỹ. Cái họ cần, có thể chỉ là một ngôi nhà giản dị với một khu vườn nhỏ, bên cạnh những người họ hàng, hay hàng xóm tốt bụng, nói cùng một thứ tiếng: tiếng Trung Hoa. Tôi ngồi nghe và cười thầm. Tôi đoán chắc người mẹ đang thả suy nghĩ của mình ra ngoài những đám mây, đang nghĩ về Trung Hoa, về một thành phố hay làng quê nào đó xa thăm thẳm trong miền kí ức.

***

Càng gần đến ngày tốt nghiệp, cũng như bao sinh viên du học khác, câu hỏi lớn nhất đối với tôi là: ở lại hay về Việt Nam? Ở? Về? Về? Ở? Chỉ là vậy thôi mà đủ để trăn trở ngày này sang tháng nọ. Được gì và mất gì trong sự chọn lựa trên?

Những sinh viên đi du học thường được chia làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất là những người  đi tự túc, gia đình chu cấp việc ăn học ở xứ người – hay mọi người vẫn hay gọi dí dỏm là học bổng Utachi. Nhóm thứ hai gồm những người đi học thông qua các kênh tài trợ từ ngân sách quốc gia, hay từ các tổ chức phi chính phủ, như học bổng 322, VEF, IFP, Fulbright, Endeavor, ADS, Chevening… Và nhóm thứ ba, chủ yếu là những người xin học bổng dưới hình thức RA (Research Assistant) hay TA (Teaching Assistant), nói nôm na là làm việc cho trường, cho giáo sư và đổi lại sẽ được miễn học phí, được chu cấp sinh hoạt phí hằng tháng cũng như bảo hiểm. Mức độ ràng buộc sau khi tốt nghiệp vì thế cũng khác nhau tùy thuộc vào từng nhóm. Với nhóm một và ba, sau khi tốt nghiệp sinh viên có thể ở lại nước ngoài nếu tìm được việc và được công ty hay tổ chức nơi họ làm việc hỗ trợ thủ tục visa. Nhưng với nhóm hai, đa phần các du học sinh phải về nước dựa trên cam kết trước khi nhận học bổng, ngoại trừ trường hợp một số tiếp tục học lên tiến sĩ. Theo cam kết, các du học sinh này sau khi tốt nghiệp sẽ quay trở về phục vụ, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, và đó cũng chính là mục đích, tiêu chí của những kênh học bổng này khi tuyển chọn người để trao học bổng du học.

Những năm qua, số lượng người Việt Nam đi du học ngày càng nhiều. Rất nhiều người đã tốt nghiệp và đã quay về công tác tại Việt Nam, tạo nên một phần biến chuyển tích cực cho xã hội, nhưng cũng có một số lớn các bạn quyết định ở lại “xứ người” lập nghiệp. Khi được hỏi lí do ở lại, một số cười bảo: ở lại làm vài năm kiếm ít vốn, ít kinh nghiệm, rồi sẽ về. Rồi trước sau cũng sẽ về! Đúng, tôi biết, họ nói đúng, nhưng đằng sau câu trả lời vừa đùa vừa đúng ấy có biết bao điều băn khoăn và hoang mang. Băn khoăn liệu khi về, có được làm việc trong môi trường tốt, lương bổng phúc lợi xã hội có xứng đáng với những năm tháng đi học vất vả, nhất là đối với những sinh viên các ngành khoa học cơ bản và xã hội nhân văn. Và hoang mang vì thời cuộc, vì một đất nước đang lớn mạnh lên từng ngày, thay đổi theo từng ngày, nhưng bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn tồn đọng nhiều khía cạnh tiêu cực mà không chỉ ngày một ngày hai là có thể xóa bỏ ngay.

Ở Seattle có một quán ăn Việt Nam khá là ngon, có thể cho là quán ăn Việt Nam ngon nhất trên đất Mỹ mà tôi được đến thưởng thức cho đến thời điểm hiện tại. Quán Long, nằm ở Second Avenue, gần Pike Market. Dù là quán ăn Việt Nam nhưng lại rất đông khách Tây. Quán có đủ các món Bắc Trung Nam, từ phở, mì quảng, bánh cuốn thịt heo chấm mắm nem, hủ tiếu đến hến xào, mực bao tử nướng, chim cút rô ti, bún vịt nấu măng, sữa đậu nành, nước quất…Tất cả bàn ghế trong quán đều bằng ghỗ mun đen bóng khiến không gian bên trong đậm chất Đông Phương lẫn trong tiếng nhạc hòa tấu Trịnh Công Sơn dìu dặt nhẹ nhàng. Lần đầu đến quán, tôi đi cùng Uyên, một người bạn học ở Đại Học Washington. Uyên là thổ địa, nên chúng tôi tin tưởng Uyên tuyệt đối. Và đúng như vậy. Thức ăn ngon không chê vào đâu được. Và giá cả cũng rất hợp lí. Những ngày tiếp theo, Uyên bận bảo vệ luận văn, tôi và Hường, một cô bạn học cùng ở NYU, tự xoay xở đi chơi một mình, và thế là chúng tôi quyết định đến Long ăn cho thỏa thích, ăn đến khi nào ngán thì thôi. Trước khi ăn không quên chụp hình các món ngon cho lên Facebook cho chúng bạn thèm chơi. Rất nhiều người vào xem, rất nhiều người hỏi: Tại sao ở Mỹ mà lại đi ăn thức ăn Việt Nam? Một câu hỏi lớn? Tại sao?

Có lẽ chỉ những ai đã từng đi xa nhà, xa quê hương mới có thể trả lời cho câu hỏi này.

Ngày đầu tiên đặt chân đến New York, việc đầu tiên là tôi xuống Chinatown cùng với một người bạn Việt Nam đã từng ở đây để mua một bao gạo, một gói thịt xay, một bịch táo, một con dao, một cái mở đồ hộp và một chai nước mắm. Nước mắm đã trở thành một thứ không thể tách rời của cuộc đời tôi, có thể cho là vậy. Bạn bè đùa bảo mày ăn nước mắm sao lấy chồng Tây được, mày phải tập ăn bơ, ăn sữa, ăn những gì không có nặng mùi! Không có gì là khó trong việc ăn bơ sữa và các sản phẩm chế biến từ bơ sữa, mới đầu có thể là khó ăn, nhưng dần rồi sẽ quen và ăn như một phản xạ tự nhiên khi người ta đói bụng. Nhưng nếu được hỏi có thật sự thấy ngon và thích thú không, thì câu trả lời chắc chắn là không. Nếu được chọn giữa một đĩa pasta và một tô mì quảng, tôi sẽ chọn mì quảng không do dự. Nếu để một miếng pizza và một đĩa bánh cuốn trước mặt, đương nhiên là tôi sẽ chọn bánh cuốn. Có thể bạn sẽ cười tôi, cho là tôi bảo thủ và không chịu tiếp thu cái mới cái lạ. Nhưng biết sao được, có thể là do tôi đi du học quá muộn, tôi đi khi cơm và nước mắm và những thứ mùi vị quê hương đã ngấm sâu vào da thịt. New York là nơi dễ sống, tuy nhà cửa đắt đỏ, cuộc sống xô bồ hỗn tạp, nhưng ăn uống lại thỏa mái, cái gì cũng có, từ rau lang, rau dền đến mắm tôm, mắm ruốc, rau muống, cà pháo… những thứ rất chi là quê hương, rất chi là Quảng… Điều khác nhau cơ bản là ở nhà có sẵn mà ăn, còn ở đây phải tự đi mua, về tự nấu tự chế biến, tự khen mình nấu ngon và tự thưởng thức. Những ngày tuyết rơi tơi tả, đi học về tranh thủ chạy xuống Chinatown mua ít rau quả “quê hương” và đồ hải sản, vai mang ba lô nào laptop, nào sách vở tài liệu, áo ấm dày cộm, hai tay khệ nệ hai túi thức ăn, cặm cụi đi ra bến subway, đôi lúc thấy mắt mũi cay xè, tự hỏi mình cuộc sống du học sinh là thế này sao, cái gọi là trải nghiệm cuộc sống là thế này sao, và khi đi học về, cái gì sẽ chờ mình ở phía trước? Nhưng rồi tặc lưỡi, dù sao mình cũng may mắn hơn các bạn đi học ở những bang xa xôi khác, muốn ăn thức ăn Việt Nam, dù là một chai nước mắm, phải lái xe hơn hai tiếng đồng hồ mới đến được chợ Việt hoặc chợ Hoa.

Khi đi xa, người ta mới thật sự nhận biết được mình cần gì, muốn gì, mình đã có những gì và mình có thể đánh mất những gì. Bạn hỏi chúng tôi vì sao ở Mỹ mà lại ăn thức ăn Việt Nam. Câu trả lời: Vì đơn giản chúng tôi là người Việt Nam. Dù đi đâu đi nữa tôi và chúng ta vẫn là người Việt Nam. Sợi dây dù vô hình nhưng trói chặt mỗi người đến mức dù có chối bỏ thì nó vẫn hiện hữu ở một nơi nào đó, và vào một lúc nào đó nó trỗi dậy. Bạn không thể khẳng định là chưa một lần nào trong cuộc đời mình trên xứ người bạn có cảm giác thèm một tô canh chua ăn với cơm nóng và cá kho tộ, hay một đĩa rau luộc chấm nước mắm ớt tỏi cay xè. Bạn không thể không chạnh lòng và không ao ước được ngửi mùi trầm hương ấm cúng trong một đêm giao thừa linh thiêng. Bạn không thể không có lúc nhớ và mong được ngồi bia hơi tán phét, cà phê hay trà đá vỉa hè… Tất cả những gì mà bình thường chúng ta mặc nhiên công nhận hay cho đó là những thứ tầm thường vặt vãnh, thì khi bước chân rong ruổi ở một nơi xa lạ, bạn sẽ bất chợt thèm thuồng, thèm đến day dứt.

Khi chúng ta quyết định ở lại sau khi tốt nghiệp, điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta có một môi trường làm việc tốt hơn, lương bổng và các chế độ phúc lợi xã hội cao hơn, quyền tự do cá nhân và tự do ngôn luận rộng hơn, con cái chúng ta lớn lên sẽ được nhận một nền giáo dục tiên tiến hơn. Nhưng đồng thời, cùng với những cái được ấy, nói theo một người bạn của tôi, là “sự mờ đi của các ký ức, sự dần dửng dưng với quá khứ và quê hương, là mâu thuẫn và cố gắng cân bằng giữa khép và mở, là cố gắng hòa nhập rồi lại mỏi công tìm kiếm cái gọi là identity và nơi bạn thuộc về”. Chúng ta mất đi nhiều giá trị khác trong cuộc sống mà chúng ta chỉ có được khi sống trên quê hương đất nước của mình và nói thứ tiếng nói của dân tộc mình, thứ tiếng đã và đang âm thầm chảy trong từng mạch máu của mỗi người. Đó là lí do tại sao người mẹ trẻ kia chỉ muốn về lại Trung Hoa, muốn có một ngôi nhà nhỏ, một mảnh vườn nhỏ, và được sống cùng những người họ hàng, bạn bè thân thuộc. Cuộc sống giản dị, nhưng ấm áp và trọn vẹn, vì ở nơi đó, người mẹ kia, và tất cả chúng ta có cảm giác “Thuộc Về”, chứ không phải là nơi ở trọ.

Một buổi chiều nào đó, tôi không nhớ rõ, tôi và Huyền bạn tôi ngồi chơi ở công viên Battery Park. Chúng tôi nói với nhau rất nhiều về New York, về những được và mất nếu ở lại. Huyền bảo: “Em không muốn con mình sau này lớn lên cứ nửa nạc nửa mở, Tây không ra Tây và Ta không ra Ta, và không biết mình thuộc về nơi đâu”. Hạnh, Hoài, Nguyên, Tuấn, Linh, Thắng và những người bạn giỏi giang khác của tôi, họ sẽ ở lại, họ sẽ là những người thành đạt, góp thêm niềm tự hào của người Việt Nam trên xứ người. Đó là điều có thể khẳng định. Nhưng tôi cũng khẳng định thêm một điều nữa là, ở một nơi nào đó, vào một khoảnh khắc nào đó, các bạn của tôi, và biết đâu là tôi, sẽ thấy mình lạc lõng giữa vòng xoay bất tận của cuộc sống và ngẩn ngơ tự hỏi mình: Mình thuộc về đâu? Nơi mình đang ở là “good country”, nhưng đó có phải là “my country”?

Duyen Nguyen
Nguồn tccl.info
 
Leave a comment

Posted by on April 19, 2012 in Bài sưu tầm

 

Tags: ,

Trải nghiệm tự học của tôi

LTS. Tác giả bài viết tham gia diễn đàn kỳ này quê ở Bình Định, sang Úc từ năm 1982. Để mưu sinh, ông đi làm phụ bếp ban ngày, đêm đi học thêm. Từ một chân phụ bếp rồi phụ tá trong bệnh viện, ông đã trở thành tiến sĩ toán thống kê, tiến sĩ y khoa nội tiết học, chuyên gia nghiên cứu cao cấp hội đồng Nghiên cứu y tế và y khoa quốc gia Úc, giáo sư đại học New South Wales. Đến nay, ông đã công bố trên 160 công trình, bài báo khoa học và khoảng 100 báo cáo khoa học.

Bài học về sự chủ động trong học hành của tôi bắt đầu từ khoảng 30 năm về trước. Dạo đó, tôi mới sang Úc, và vào học chương trình master. Lần đầu tiên vào giảng đường, tôi bị sốc vì gặp một vị giáo sư cao tuổi rất lạ lùng.

Thầy đọc trò chép: cảnh quen thuộc trên các giảng đường Việt Nam.

Bài học đắt giá

Ông đến lớp học hoàn toàn tay không. Không có bài giảng, và cũng không có tài liệu như các vị giáo sư khác. Ông ngồi trên bàn viết, một chân chấm đất, một chân đong đưa, thỉnh thoảng đi qua đi lại, và nói chuyện suốt gần hai tiếng đồng hồ. Ông nói về nghiên cứu của ông là chính, và tỏ ra cực kỳ hào hứng. Sinh viên chúng tôi há hốc ngồi nghe, chẳng ghi chép gì cả, và… chẳng hiểu gì cả. Trong suốt thời gian đó, ông không hề đụng đến bút mực, và dĩ nhiên là không bao giờ viết gì trên bảng (thời đó chưa có powerpoint). Đến giờ tan lớp, có sinh viên thắc mắc tại sao thầy không viết gì để sinh viên ghi lại vài ý, ông thản nhiên trả lời: “Đó không phải là việc của tôi, tôi chỉ cho các anh chị ý tưởng, các anh chị hãy về mà tìm thông tin mà học thêm”.

Câu nói tìm thông tin mà học thêm đó chính là một phương pháp giáo dục phổ biến trong các đại học phương Tây. Đó cũng chính là khái niệm tự học mà thuật ngữ giáo dục gọi là autodidacticism. Thật vậy, sinh viên càng học cao càng được khuyến khích tự học. Ngay từ bậc cử nhân và thạc sĩ, sinh viên đã được cơ hội làm quen với việc chủ động tìm thông tin, thẩm định thông tin, phản biện, và làm nghiên cứu khoa học. Họ được huấn luyện để tự mình phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề, được dạy kỹ năng tự làm nghiên cứu, rèn luyện tinh thần tôn trọng sự thật và khách quan trong phán xét. Do đó, khi sinh viên tốt nghiệp đại học, họ tự tin về kiến thức, năng động trong công việc, và sẵn sàng tham gia vai trò lãnh đạo (nếu cần).

Có lần tôi nghe một anh người Mỹ còn trẻ nói chuyện về một đề tài thần kinh mà tôi cứ tưởng anh là nghiên cứu sinh tiến sĩ, nhưng thật ra anh chưa tốt nghiệp trường y. Một lần khác, tôi chứng kiến hai em bé người Mỹ chỉ mới 13 tuổi trình bày lưu loát một nghiên cứu (do chính hai em thực hiện) trong hội nghị loãng xương quốc tế với trên 5.000 người tham dự. Sự tự tin và kỹ năng nghiên cứu của họ đã được hun đúc ngay từ lúc còn nhỏ. Họ tự học từ kiến thức căn bản, và vì họ tự mình thu thập thông tin nên họ cảm nhận được và tự tin với điều mình nói.

Ngược lại, sinh viên Việt Nam chúng ta có xu hướng thụ động và thiếu tinh thần tự học. Chẳng nói đâu xa, có thể lấy cá nhân tôi ra làm ví dụ. Khi mới vào học ở Úc, có lần tôi được cho một bài tập chỉ vẻn vẹn hai câu văn, yêu cầu bình luận về một công trình nghiên cứu. Thật ra, lúc đó, chẳng ai trong chúng tôi biết chủ đề của công trình nghiên cứu, vì sinh viên xuất thân từ nhiều chuyên khoa khác nhau. Cần mở ngoặc ở đây là lần đó bài làm của tôi thất bại thê thảm vì tôi chỉ lặp lại những kiến thức cơ bản, và thầy phê chỉ một chữ duy nhất “boring” (có nghĩa là đọc thấy chán, chẳng có gì sáng tạo) với điểm gần 0, điểm thấp nhất trong đời đi học của tôi. Nhưng chính qua câu hỏi đó, chính qua sự thất bại thê thảm đó, tôi có dịp chẳng những tự tìm hiểu những vấn đề cơ bản, mà còn học cách đặt vấn đề, lượng giá khoa học của thông tin, và nhất là phát hiện vấn đề.

Môn thể thao trí tuệ tuyệt vời

Cũng chính qua thất bại đó mà tôi ý thức được sự khác biệt về cách dạy học ở Việt Nam và Úc. Trong khi ở Việt Nam, chúng ta quen với cách học “thầy giảng trò chép” bấy lâu nay, thì ở ngoài người ta đã bỏ cách dạy đó và tạo điều kiện cho sinh viên tự học, tự tìm tòi để nâng cao kiến thức và kỹ năng. Tôi có thể ví cách học ngoài này là người thầy cho sinh viên cái “cần câu” hay phương tiện để sử dụng trong tương lai, và phương tiện đó chính là tư duy độc lập và chủ động. Một khi sinh viên đã có phương tiện và tự tạo ra hay thu thập được dữ liệu / kỹ năng mới, họ sẽ tự tin hơn và hứng thú hơn với thành tựu của chính mình. Nếu họ chỉ sử dụng dữ liệu của người khác một cách thụ động thì đó không phải là cái gì đáng tự hào và sinh viên sẽ trở nên thiếu tự tin. Phải gần một năm trong môi trường giáo dục ở Úc, tôi mới làm quen với cách học chủ động.

Phần lớn sinh viên Việt Nam (hay Á châu nói chung) có xu hướng học theo công thức, nhưng còn rất kém trong sáng tạo. Thật vậy, kinh nghiệm của tôi trong vai trò người dạy cho thấy sinh viên Việt Nam nói chung giỏi giải những bài toán khó, nhưng khi hỏi họ ứng dụng trong thực tế thì họ gần như… bí. Khi học trong khuôn khổ, sinh viên Việt Nam rất khá; nhưng khi được cho “học tự do” như thiết kế thí nghiệm, phát kiến ý tưởng khoa học, thì sinh viên Việt Nam kém hẳn sinh viên địa phương. Do đó, trong những năm đầu, sinh viên Việt Nam khá hơn sinh viên Úc, nhưng khi học lên càng cao thì sinh viên Việt Nam càng kém.

Sinh viên Á châu và Việt Nam cũng kém tinh thần làm việc trong đội (team work). Một anh bạn tôi là giáo sư hoá học của đại học New South Wales nhận xét rằng khi làm việc trong nhóm, sinh viên phương Tây thường năng động, phát kiến tốt, tìm cách giải quyết vấn đề, chủ động đóng vai trò lãnh đạo; còn sinh viên Á châu nói chung và Việt Nam nói riêng chỉ giỏi làm những nhiệm vụ được giao phó! Anh bạn tôi kể rằng có lần anh đưa một sinh viên Úc năm cuối chương trình kỹ sư làm một đề án chuyên môn, sau khi nghe qua mục đích đề án chừng nửa giờ, cô ta đi tìm tài liệu, chủ động liên lạc với các tổ chức về môi sinh, với những chuyên gia khắp thế giới, thậm chí liên lạc cả Liên Hiệp Quốc mà không cần ai chỉ bảo. Về mặt kỹ thuật cô ta cũng tự học lấy những kỹ thuật tính toán mới mẻ bằng máy tính chưa hề được dạy. Sáu tháng sau, cô ta làm xong một công trình có giá trị, được đăng trong một tạp chí quốc tế, và có ít nhiều tiếng vang trong ngành. Sự tháo vát như vậy không phải là không có ở sinh viên Việt Nam, nhưng rất hiếm.

Tinh thần chủ động và tự học đóng vai trò rất quan trọng trong học tiến sĩ. Nghiên cứu sinh khi tốt nghiệp tiến sĩ phải chứng tỏ mình có những kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành, phải có khả năng cập nhật hóa kiến thức cũng như tất cả những phát triển mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, có kỹ năng phát hiện vấn đề hay đặt câu hỏi có ý nghĩa cho nghiên cứu chuyên ngành của mình. Nhưng một trong những tiêu chuẩn của tiến sĩ là nghiên cứu sinh phải chứng tỏ mình độc lập sau khi tốt nghiệp. Nhưng kỹ năng này phần lớn là do nghiên cứu sinh tự học, chứ rất ít khi nào thầy cô “cầm tay chỉ việc”. Thật vậy, học tiến sĩ thường phải làm việc với một hay hai thầy / cô hướng dẫn. Có ba “loại” thầy hướng dẫn chính: nhà khoa học, doanh nhân, và nhà độc tài. Người thầy trong vai trò nhà khoa học là đồng nghiệp của nghiên cứu sinh, cho định hướng nghiên cứu, nhiệt tình nâng đỡ và chia sẻ kiến thức với nghiên cứu sinh để cả hai thầy trò có thể thành công trong trường khoa học. Người thầy kiểu doanh nhân là người rất bận, ít có thì giờ để thường xuyên gặp nghiên cứu sinh, nhưng lúc nào cũng đòi hỏi phải có “sản phẩm” (tức bài báo khoa học), mà không mấy quan tâm đến chuyện nghiên cứu sinh phải xoay xở ra sao. Người thầy kiểu nhà độc tài là người rất khó tính, xem nghiên cứu như là “nô lệ” phục vụ cho sự nghiệp của họ, lúc nào cũng đòi hỏi nghiên cứu sinh phải báo cáo từng chi tiết một, và lúc nào cũng đòi hỏi phải có sản phẩm theo đúng định kì. (Cố nhiên, còn có một loại “thầy” thứ tư là loại… vô trách nhiệm, nhận nghiên cứu sinh mà không có định hướng cũng chẳng giúp gì cho nghiên cứu sinh, nhưng đây không thể xem là thầy nên không được tính ở đây). Dù học tiến sĩ dưới bất cứ loại thầy nào thì nghiên cứu sinh phải có tư duy độc lập, có tinh thần tự học và chủ động.

Tự học hay autodidacticism không dễ. Nó đòi hỏi người học phải tập trung, và học từ cơ bản chứ không phải học từ ngọn. Chẳng hạn như mỗi ngày tôi học một từ tiếng Anh, tôi phải học từ đó đến từ đâu, có nghĩa gì, và những cách sử dụng từ đó. Tự học không có nghĩa là học trong cô đơn, mà có giao tiếp với bạn bè để cùng học hỏi. Tự học không có nghĩa là chỉ đọc sách, đọc báo, mà phải làm theo sách, thực hành từ bài báo cho đến khi hiểu. Tự học cũng có nghĩa là học cách phản biện và phát hiện vấn đề. Tuy tự học không dễ, nhưng đó là hình thức thể thao trí tuệ tuyệt vời nhất và có hiệu quả nhất.

Mục đích thực và chính của việc học hành là để mở mang trí tuệ, trau dồi kiến thức, rèn luyện nhân cách, và làm người hữu ích cho xã hội. Những mục tiêu đó không thể chỉ học trong vòng vài năm, mà phải học suốt đời, chính vì thế mà ở các nước phương Tây người ta có khái niệm lifelong learning – học suốt đời. Học suốt đời là một cách để chúng ta hấp thu tri thức và kỹ năng mới qua học hành và kinh nghiệm không chỉ trong nhà trường mà còn ngoài xã hội nói chung. Nhìn như thế để thấy rằng tư duy tự học và chủ động học tập đóng vai trò quan trọng số một trong cuộc sống.

Nguyễn Văn Tuấn

Nguồn SGTT.vn

 
Leave a comment

Posted by on April 17, 2012 in Bài sưu tầm

 

Tags: ,

Vì sao người Việt không mê đọc sách?

Đối tượng chúng tôi muốn nói tới trong bài này, không phải là một vài người Việt đặc tuyển, mà là người Việt nhìn bao quát, người Việt nói chung;

– Hành động “đọc” không đơn giản là việc ngồi vào bàn, mà là cả văn hóa đọc với cơ cấu phức tạp của nó;

– Sự say mê không phải sự bốc đồng lửa rơm chốc lát mà là biểu hiện của một hoạt động tinh thần vững chắc được trí tuệ bảo đảm rồi thăng hoa;

Sau nữa, “sách” nói ở đây không phải là một vài tác phẩm văn chương mùi mẫn gây cười hoặc ít ra cũng du dương êm ái dễ đọc dễ bỏ mà bao gồm – nếu không chủ yếu là – cả các công trình nghiên cứu, các loại chuyên khảo, được viết đạt đến những chuẩn mực của tư duy.

Xét như thế thì chắc chẳng ai phải còn một chút phân vân gì nữa mà có thể thẳng thắn nói không, khi đối diện với câu hỏi “Người Việt có mê  đọc sách?”

Nhưng còn vì sao có hiện tượng đó? Xin tạm nêu ra mấy lý do:

– Ở ta không có văn hóa làm sách; các hoạt động xuất bản trước kia gần như chưa có.

– Con người nặng về tình mà nhẹ về lý, thường thích sống trong đám đông hơn là đơn độc với chính mình – tức là thiếu những phẩm chất mà việc đọc sách đòi hỏi.

– Xã hội không coi trọng kiến thức, người trí thức không được đánh giá đúng mức. Khi bản thân người làm nghề trí thức cũng đang còn lười đọc sách, thì đông đảo người dân có xa lạ với sách cũng là dễ hiểu.

Lấy đâu ra sách mà ham?

Có một khái niệm chưa thông dụng lắm, nhưng có lẽ trước sau chúng ta phải dùng tới là văn hóa sách của một dân tộc.

Ở  nhiều  nước, người ta biên soạn cả những bộ Bách khoa toàn thư về sách để ghi nhận mảng văn hóa sách này. Tức là họ thường xuyên tổng kết về công nghệ làm sách ở dân tộc mình: sách bắt đầu có từ thời nào, quan niệm về sách thay đổi ra sao, các dạng tồn tại của sách phong phú tới đâu vv…

Giả sử lúc này đây ở ta có ai muốn làm một cuốn sách như thế cũng không biết xoay xỏa thế nào. Tài liệu nghèo nàn, ngay tài liệu lưu trữ tối thiểu cũng không có. Và cái chính là số lượng sách in ra quá thấp, quan niệm về sách của chúng ta thì đơn sơ cổ lỗ.

Để làm ra sách cho cả xã hội, các nước cũng đã hình thành nên hoạt động xuất bản và thị trường sách. Ở ta, các ngành này – theo đúng nghĩa của nó – chỉ có từ thế kỷ XX, do sự du nhập từ nước ngoài. Còn trước đó, tất cả ở dạng sơ khai, sách ra đời theo cách thức tự phát, và việc nhân bản hết sức hạn chế, sách gần như chưa biến thành hàng hóa.

Một chỉ số nữa, cần tính tới mỗi khi định đánh giá một ngành văn hóa phát triển đến đâu, đó là khả năng của ngành đó trong việc vượt ra biên giới và giao lưu với các hoạt động cùng loại ở nước ngoài. Có lần tôi còn đọc thấy là thời trung đại, giữa Nhật và Trung Hoa có cả một con đường sách, tương tự như con đường tơ lụa nối Trung Hoa với thế giới A rập. Trong khi đó thì đọc lịch sử ta, chỉ thấy nói là những ông quan đi sứ mang về vài quyển sách loại ngẫu nhiên được tặng.

Sách đã in ra lại còn phải được tổ chức để đưa đến với người cần. Các tập Lịch sử văn hóa Trung Quốctôi đọc gần đây thường có một phần nói về thư viện, Đường Tống thế này Minh Thanh thế kia. Bảo rằng ở chỗ này các nhà nghiên cứu làm công việc trở về văn hóa VN sẽ không có việc gì để làm cũng không hẳn đã đúng, song như chỗ tôi đọc được,  trong một bộ sử cổ như Đại Việt sử ký toàn thư, số lần hai chữ thư viện xuất hiện chưa được một chục.

Xa lạ với lý trí và thói quen nghiên cứu 

Chữ viết là một chỉ số của văn hóa. Trong xã hội ta, từ ngàn năm nay, tồn tại một tình trạng nước đôi dang dở. Chữ Hán vẫn là công cụ giao tiếp giữa nhà nước và người dân. Các cuộc thi cử sử dụng chữ Hán, sách vở quan trọng (ví dụ lịch sử) viết bằng chữ Hán. Một cách tổng quát, thứ chữ ngoại nhập này lại là công cụ để người ta nghĩ những điều nghiêm chỉnh. Còn chữ nôm chỉ để ghi cái đời sống tình cảm hàng ngày, hoặc kêu than, hoặc đùa bỡn. Vả chăng chữ nôm chưa hình thành như một hệ thống chặt chẽ hợp lý. Nó khó học do đó không phổ biến.

Tình trạng chữ viết ở Việt Nam như trên níu kéo văn hóa đọc với hai nghĩa:

Thứ hai, ở dạng gián tiếp, nó ảnh hưởng tới tư duy của con người.

Với một thữ chữ thuận tiện, người ta có thể ghi chép và hoàn thiện dần những suy nghĩ của mình và giao lưu với nhau làm cho tri thức ngày càng phong phú. Ngược lại, như ở ta, do thiếu phương tiện (chữ và sách) hợp lý để ghi lại những vận động trong đầu óc, sự suy nghĩ của người ta dễ dừng lại ở tình trạng manh mún rời rạc. Gần đây nhiều người đã công nhận là dân ta làm việc gì  thường theo lối chụp giật,  mà thiếu  thói quen nghiên cứu sự vật; sự nghĩ ngợi hay chắp vá nửa vời, đầu óc người ta không chăm chú theo đuổi cái gì tới cùng. Trong một cá nhân cũng như trong một tập thể, hành động được đề cao hơn suy nghĩ. Ta sống tùy tiện dễ dãi, “một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Tất cả những bệnh trạng đó trong tư duy bắt nguồn một phần từ một văn hóa đọc lom đom, một đời sống tinh thần thiếu sách.

Đến lượt mình, kiểu tư duy này lại quay trở lại, cản trở người Việt đọc sách.

Đứng ở góc độ tâm lý học cá nhân mà xét, với sự đọc sách, con người phải trưởng thành như một nhân cách. Khi đọc sách, người ta phải có thói quen đơn độc trong suy nghĩ và làm việc. Sự hình thành loại người này đòi hỏi bệ đỡ của một nền văn hóa chắc chắn.

Tác động của việc kiếm sống

Ca dao tục ngữ truyện cười ở ta thường có thái độ chế giễu với người đọc sách. Dưới những con mắt thế tục, việc đọc sách có vẻ như là một cái gì vô bổ của loại người “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm”. Đấy là hình ảnh người đọc sách trong tâm thức dân gian từ thời trung đại tới nay.

Cố nhiên trong thực tế, lại có một tình trạng tế nhị khác, là các làng xã thường đánh giá nhau bằng số lượng kẻ cắm đầu vào sách. Có gì mâu thuẫn ở đây chăng? Không. Học trò xưa ham học để có ngày lều chõng đi thi và trở thành quan chức (từ đây khái quát lên người ta vẫn tự hào người Việt ham học). Nhưng không thể bảo họ, – đám người “nghiền”  sách cốt đi thi  kia – là những người đọc sách với đúng nghĩa của nó. Người học để đi thi tự giới hạn trong kiến thức của người chấm cho họ đỗ. Ngược lại đặc trưng chủ yếu của người đọc sách là một tư duy độc lập và một khao khát bất tận với  sự hiểu biết. Loại sau ở xã hội ta quá hiếm, lại còm cõi ít ỏi và chưa thành một lớp người ổn định.

Giải thích sao về hiện tượng này? Suy cho cùng ở xã hội nghèo, mọi việc vẫn do miếng cơm manh áo quyết định. Khi có thể dùng sách để lập thân thì người ta đọc sách. Khi có nhiều con đường khác lập thân mà ít tốn sức lực hơn – kể cả lối giả vờ đọc sách, gian lận thi cử – thì người ta bỏ sách khá dễ dàng. Và đó chính là tình trạng của xã hội hôm nay.

Tốn công tốn của để đọc mà thu nhập chả hơn là bao so với người không đọc, thì cha bảo con vợ bảo chồng từ giã sách vở, ngồi xem tivi cho nhẹ thân. Sách không còn là nhân tố tất yếu trên đường mưu sinh, và việc đọc sách thường ngả sang một thứ trò chơi,- lý tưởng làm người có vì vậy mà có vẻ bị hạ thấp thì người ta cũng chẳng lấy làm hối tiếc.

Một giải pháp lâu dài 

Về phần mình, tôi cho rằng cần lùi xa một chút, nhìn rõ một thực trạng kéo dài, nó cũng là tiền đề để có những biện pháp tổng quát hơn có ý nghĩa lâu dài hơn. Vì thế nên có  nghiêng nhiều về việc đọc sách của tầng lớp trí thức.

Chính họ, theo tôi, là đầu tầu để thúc đẩy một xã hội hợp lý mà chúng ta phải xây dựng, ở đó sách là động lực thúc đẩy mọi tiến bộ,  nên sự ham đọc sách không còn bị rẻ rúng.

Hồi nhà đạo diễn Nguyễn Đình Nghi còn sống, ông hay nói với tôi về công chúng của sân khấu. Là con trai và người kế nghiệp Thế Lữ, ông Nghi khá thạo sân khấu trước 1945 và trong kháng chiến chống Pháp. Ông bảo, qua sự sa sút của công chúng thời nay, càng thấy công chúng thời trước rất nghiêm chỉnh. Họ đến với sân khấu thiêng liêng như đến với nhà thờ. Và Nguyễn Đình Nghi cắt nghĩa, sở dĩ trước 1945 người đến với sân khấu nói chung khá  tốt, mặt bằng khá cao, vì hồi đó, có một lớp công chúng chọn lọc là các trí thức xuất thân từ các nhà trường Pháp – Việt. Họ tạo nên những chuẩn mực trong thưởng thức và lôi cuốn công chúng rộng rãi nói chung.

Tình hình đọc sách gần đây cũng có nhiều nét tương tự như bên sân khấu, nên cách giải thích sự sa sút là gần nhau, từ đó cách tổ chức lại công chúng cũng không thể khác. Phải trở lại với cái đúng cái tốt đã có trong quá khứ.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn

 
Leave a comment

Posted by on April 12, 2012 in Bài sưu tầm

 

Tags: ,