RSS

Category Archives: Bài viết

Cảm xúc đêm nhạc “Cuộc Đời và Tiếng Hát”

Đó là một đêm nhạc tôi mong đợi, từ lúc nhận được tin là ZAG sẽ tổ chức đêm nhạc tôi luôn hồi hộp mong chờ đến ngày đó, ngày được nghe  những bản tình ca bên tiếng đàn piano với âm điệu tuyệt vời. Zagger chúng tôi đều nỗ lực để đêm nhạc có thể diễn ra thành công vì nhiều ý nghĩa mà chúng tôi tin tưởng. Một đêm nhạc kết nối yêu thương giữa những con người với nhau,  góp thêm được vài viên đá trên cây cầu yêu thương giúp các bé đang ngày phải bơi đi học giữa dòng sông lạnh giá.

Và đặc biệt hơn hết, đó là một đêm nhạc mà tôi biết rằng nó sẽ làm ấm  tâm hồn của nhiều người, sẽ làm tan chảy trái tim của nhiều người – những con người sống tất bật, chạy đua với cuộc sống khó khăn, và những giai điệu âm nhạc thực sự sẽ đưa cho họ trở về với thế giới mà rất nhiều người đã lãng quên, thế giới của tâm hồn, nơi những điệu nhạc du dương sẽ réo rắt vào tâm hồn họ

Vì một người đi không trở lại

Cho một người ngồi đây nhớ mong

Lần đầu tiên được nghe Hiếu hát với cây đàn piano, hoàng tử hát tình ca  đã có màn biểu diễn cực kỳ ấn tượng. Những cặp mắt hướng về sân khấu đăm chiêu hơn, những tràn vỗ tay trở nên to và dài hơn, Tôi vỗ tay không phải vì ủng hộ  hay khuyến khích ca sĩ, tôi vỗ tay  như một bản năng tự nhiên, vỗ rát hết cả tay mà vẫn muốn vỗ tiếp. Có lẽ vì do khán giả quá  tuyệt vời nên mặc dầu ban đầu chỉ dự định hát 3 bài, Hiếu đã hát đến 6 bài mà vẫn còn muốn hát  tiếp

“Anh đưa em theo với, cầm tay em và đưa lối

…. Để  nơi đó, em có thể bên  anh trọn đời” 

Sự xuất hiện tiếp theo của NuKan Trần Tùng Anh và Bích Phương lại  càng làm cho khán giả hài lòng, với bài hát Nơi nào có em và Có khi nào rời xa, hai ca sĩ  trẻ này thực sự đã làm cả khán phòng phải im lặng. Những đôi tình nhân ngồi sát vào nhau hơn, họ dựa đầu vào nhau dưới ánh nến lung linh và cùng mắt hướng về sân khấu, im lặng như sợ rằng sẽ  bỏ lỡ đi những ca từ đẹp đẽ.

“Sometimes it lasts in love but sometimes it hurts instead.”

Cô gái bé nhỏ Thái Trinh bất ngờ xuất hiện với bài hát “Someone Like You”,  với tôi đây là một bản nhạc tuyệt vời, em đã biến tấu giai điệu một cách khéo léo theo đúng con người trẻ trung và nữ tính của em.

Kết thúc bài hát với lời ca nhẹ nhàng và và tiếng đàn guitar mềm mại, một cách xử lý khéo léo hoàn toàn khác với chất giọng mạnh mẽ của Adele nhưng không mất đi ý nghĩa của bài hát.

Nhưng ánh dương khác…….. Còn sáng ngời hơn…….. Mặt trời riêng tôi…  Nơi gương mặt em!”

Tiếp theo là anh Hoàng Bách và Thụy Vũ đã có màn trình diễn phối hợp bất ngờ với bài hát nổi tiếng của AC&M “Mặt trời của tôi – O sole mio” đây là món quà bất ngờ với chương trình  vì sự tái hợp của 2 cựu thành viên của nhóm nhạc môt thời vang bóng và là một lời gửi gắm đặc biệt của người dẫn đầu ZAG – anh Hải, dành tặng cho người con gái mà anh yêu. Không biết em gái đó có cảm nhận được điều này không? Dù em có thể không phải là người đặc biệt với mọi người, nhưng em  thực sự là một vầng thái dương đối với môt người.

Ca khúc người đàn ông trong ngôi nhà vắng của anh Bách thực sự ghi dấn ấn trong khán giả, a Hoàng Bách với cây đàn piano thật xứng đáng với cái tên người ta vẫn gọi anh “Người hát tình ca”.

Tạm dừng không khí của những bài tình ca, bạn Anh Thư – chủ quán café Olive đã tặng chương trình 2 bài hát tiếng Anh mà bạn yêu thích “Killing me softly” và “Life is wonderful” – bài hát thể hiện con người, Thư là người mà tôi và cả ZAG ngưỡng mộ vì  bản lĩnh của bạn. Giọng ca của một ca sĩ không chuyên nhưng cực kỳ dễ thương  đã nhận được nhiều sự ủng hộ của khán giả.

……

Triệu người quen có mấy người thân

…….Khi lìa trần có mấy người đưa?

………

“Bài Không Tên Số 4” – của a Thụy Vũ  là tiết mục mà tôi yêu thích nhất. Giọng ca trầm, ấm của anh luôn làm khán giả phải thổn thức với những ca khúc trữ tình bất hủ.  Lời hát của anh nhẹ nhàng, sâu lắng và không ồn ào. Dù đã trời đã khuya, khán giả cũng thấm mệt  nhưng ai cũng phải ngồi nán lại để  thưởng thức những bài nhạc trữ tình phát ra từ  tâm một người ca sĩ. Anh Thụy Vũ luôn là khách mời đặc biệt của ZAG,  lúc nào cũng dành cho ZAG những tình cảm ưu ái nhất và ủng hộ mọi chương trình mà ZAG thực hiện.

Và đêm nhạc kết thúc với sự góp vui của một ca sĩ đến từ Philipine – anh Joseph. Đây là tiết mục mà bạn Anh Thư – chủ quán café Olive dành tặng cho đêm nhạc. Anh Joseph đã mang đến  những giây phút náo động, vui nhộn cùng với cây đàn guitar khi cùng hát với khán giả những ca khúc tiếng Anh dễ thương “ Heal the world” , “Love you more than I can say” …

Diễn ra liên tục gần 3 tiếng đồng hồ, và hầu hết các khán giả đều ở đến phút cuối. Làng ZAG chúng tôi đã được một bữa ăn tinh thần no nê.

Và điều quan trọng nhất là chúng tôi đã lan truyền được những giá trị tốt đẹp – mang một âm nhạc thực sự đến cho  khán giả

Hi vọng mọi người sẽ tiếp tục ủng hộ ZAG.

Trưởng làng ZAG Village – anh Hải trao tặng thiệp với đầy đủ chữ ký của các ca sĩ tham gia chương trình

Hoàng Phương Thảo

 
Leave a comment

Posted by on May 17, 2012 in Bài viết

 

Tags: , , , , , , , ,

Cuộc sống qua trang sách thiếu nhi – Kì 3: Hãy hành động khi mất phương hướng.

CUỘC SỐNG QUA TRANG SÁCH THIẾU NHI

KÌ 3: HÃY HÀNH ĐỘNG KHI MẤT PHƯƠNG HƯỚNG

Có bao giờ bạn cảm thấy công việc hiện giờ không hợp với mình, có bao giờ bạn thấy mình đã chọn sai ngành học, mỗi sáng thức dậy, bạn không biết mình phải làm gì, cuối ngày nhìn lại, bạn không biết những gì đã làm được…?

Trong Alice lạc vào xứ thần tiên (*) có một mẩu đối thoại thế này

Alice: Từ đây tớ phải đi đường nào?

Chú mèo Cheshire: Đường đi phụ thuộc vào nơi bạn muốn đến.

Alice: Tôi không nghĩ nhiều đến điều đó.

Chú mèo Cheshire: Vậy thì đường đi nào cũng được, miễn sao bạn cố gắng đi đủ dài

Câu chuyện gợi mở cho chúng ta một câu trả lời cho những băn khoăn trên. Nhiều người khi bị mất phương hướng, thường có xu hướng chần chờ, ngẫm nghĩ. Chính trạng thái này một phần gây ra sự tiếp tục không hiệu quả trong công việc, và chuỗi ngày chán nản, mệt mỏi. Trong kinh tế, tài chính có một triết lý như thế này, không thể dựa vào một chỉ số (số liệu) để phán xét, để nhận định cần phải kết hợp nhiều chỉ số lại với nhau. Trường hợp này cũng vậy, nếu chỉ ngẫm nghĩ mà không làm gì, thì chúng ta cũng khó thể tìm được câu trả lời xác đáng.

Vì vậy, hãy hành động, hãy thay đổi một cách nghiêm túc, vì sao tôi nói “một cách nghiêm túc”? Chúng ta chỉ có thể nhận ra những điều hợp hay không phù hợp với mình thật sự khi chúng ta từng dấn thân vào nó một cách nghiêm túc. Đó chính là ý nghĩa của vế sau câu nói của chú mèo Cheshire “miễn sao bạn cố gắng đi đủ dài

(*) Alice lạc vào xứ thần tiên (1865) là cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi của tác giả người Anh Charles Lutwidge Dodgson dưới bút danh Lewis Carroll.[1] Câu chuyện kể về cô bé Alice chui qua một hang thỏ rồi lạc vào thế giới thần tiên có những sinh vật kì lạ. (Theo vi.wiki)

Hiệp Trần

 

Tags: , ,

Cuộc sống qua trang sách thiếu nhi – Kì 2: Người ta không nghe thấy nhau

CUỘC SỐNG QUA TRANG SÁCH THIẾU NHI

PHẦN 2:  NGƯỜI TA KHÔNG NGHE THẤY NHAU

Cô đơn – là cụm từ thường xuyên xuất hiện trong xã hội hiện đại. Để bắt đầu cho việc hiểu nguồn gốc của sự cô đơn, tôi xin sơ lược truyền thuyết về loài thủy tiên được mô tả ở đầu truyện Nhà Giả Kim (Paolo Coelho).  Có một chàng trai tên là Narcissus, chàng vì say đắm vẻ đẹp của chính mình mà chết vì ngã xuống hồ trong lúc soi gương. Các vị thần đã hỏi vì sao Hồ Nước khóc, Hồ lời rằng “Tôi khóc cho Narcissus, nhưng tôi chưa từng nhận ra Narcissus xinh đẹp. Tôi khóc vì, mỗi khi chàng cúi mình xuống dòng nước của tôi, tôi có thể nhìn thấy, trong đôi mắt sâu thẳm của chàng, vẻ đẹp của tôi phản chiếu.

Chỉ trong vài dòng ngắn ngủi, tôi chợt nhận ra mình với những ích kỷ cá nhân. Chúng ta nói chuyện, lắng nghe rất nhiều nhưng liệu có xuất phát từ lòng cảm thông, chia sẻ thật sự, hay chỉ là sự chứng tỏ về kiến thức, hay khả năng chinh phục trong giao tiếp. Chúng ta có nhìn ra được ưu điểm của mọi người hay chỉ cố nhìn vào những điểm xấu như một các đề cao bản thân. Như Narcissus và Hồ Nước, không ai đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhau cả, họ chỉ nhìn thấy nét đẹp của mình trong mắt nhau.

Sự cô đơn, một lần nữa có thể tìm thấy trong Hoàng tử bé. Hoàng tử bé (1943) là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry, kể về những quan sát từ chuyến chu du của cậu hoàng tử qua những tinh cầu trong vũ trụ. Những tiểu tinh cầu, là nơi một ngày chỉ bằng một giờ ở trái đất, là nơi chỉ cần chạy nửa vòng có thể thấy được hoàng hôn,… vẫn được ngự trị bởi một ông vua-không có thần dân, bởi một gã khoác lác chỉ sống một mình, hay là một bợm nhậu uống rượu suốt ngày để quên đi xấu hổ về việc mình uống quá nhiều…

Phải, Cô Đơn – là khi con người không thấy nhau, và không lắng nghe những giá trị chân chính mà bản thân theo đuổi.

 Hiệp Trần

Xem: PHẦN 1: ƯƠM LẠI ƯỚC MƠ

 

Tags: , , ,

Vai trò của kỹ năng trong việc phát triển bản thân

Vai trò của kỹ năng trong việc phát triển bản thân

Vai trò của kỹ năng trong việc phát triển bản thân

Tôi từng chứng kiến vô số những tay trẻ gục ngã giữa đường, gục ngã chỉ sau 1-2 năm ra trường, chỉ sau vài năm hào hứng và đầy tự tin về giấc mơ 1 triệu đô trước tuổi 30. Ảo tưởng! Tôi gọi đó là thế hệ “Cha giàu, con nghèo” khi có quá nhiều bạn trẻ ảo tưởng rằng sự giàu có đến nếu chỉ cần đọc thuộc làu cuốn sách Cha giàu, Cha nghèo, ảo tưởng về đầu tư tài chính, về thành lập công ty trước khi rời ghế nhà trường. Ảo tưởng về một thứ “đi tắc, đón đầu” khôn như chấy! Dĩ nhiên, không phải tất cả đều thất bại, nhưng hầu hết. Chỉ có vài người thành công, rồi thành công ấy lại được tô vẽ khiến những đứa trẻ khác ảo tưởng. Và kể cả vài sự thành công được tô vẽ đó cũng không biết sẽ màu mè được bao nhiêu lâu. Vô số xác chết doanh nghiệp, vô số những giấc mơ, tham vọng tan biến chỉ sau vài tháng bước chân vào công cuộc kinh doanh phũ phàng. Và những kẻ bại trận đó không nói một lời hoặc âm thầm cam chịu rồi từ từ biến mất…

Mơ một giấc mơ đẹp, bạn chỉ mất một ngày nhưng để có kỹ năng phát triển bản thân, làm nền tảng cho thành công của cả cuộc đời, bạn cần từ 5 năm tới 10 năm miệt mài, thậm chí cần cả cuộc đời không ngừng rèn luyện, trau dồi kỹ năng. Và bạn cần bắt đầu từ 14-15 tuổi hoặc sớm hơn chứ không phải chờ đến 25 tuổi, khi đã nếm trải thất bại, vét sạch số tiền tự mình tích góp được hoặc của bố mẹ tin tưởng giao cho. Lúc ấy, bạn chẳng còn cách nào ngoài “bám váy kẻ khác”. Và để thành công, bạn không cần gì khác ngoài những mơ ước, mục tiêu, sự nỗ lực không ngừng và nhất là phải trang bị cho bản thân những kỹ năng quan trọng, cần thiết đế hiện thực hóa những ước mơ đó.

Mười hay mười lăm năm trước, tôi rất ngạc nhiên khi gặp những “đại gia” thực sự của Việt Nam, với những kỹ năng điêu luyện và thành thạo đến mức khó tin. Họ không có điều kiện học hành bài bản như hầu hết các bạn trẻ hiện nay, nhưng kỹ năng hoạch định kế hoạch, phác thảo tầm nhìn, tư duy, nói, viết, thuyết phục của họ thật tuyệt vời. Nhiều người trong số đó khi lập nghiệp chưa từng nghĩ sẽ sau này họ trở thành tỷ phú, họ đơn giản chỉ muốn làm việc với niềm đam mê chế tạo ra con xe, sản xuất cái quạt, chiếc đồng hồ… Tôi đã có dịp chứng kiến một “đại gia” ngồi chỉ bảo tỉ mỉ cho 3 kỹ sư thế hệ 7X, 8X từng chi tiết cần sửa của chiếc xe khách. Ông ta mới chỉ tốt nghiệp đại học Mỏ. Cũng chính “đại gia” đó đã phác ra mô hình khu trang trại bằng những que diêm cho đám kiến trúc sư học hành bài bản ngồi lọ mọ thiết kế chi tiết sau này. Tôi cũng từng nghe kể về kỹ năng của đại gia V., người đã chỉ cho các kỹ sư của mình từng vị trí rồi cách thức xây dựng của các tòa nhà trong cả một khu dự án hàng chục hecta. Bạn đừng cho rằng họ chỉ có tham vọng. Đừng nhầm lẫn rằng họ chỉ có mong muốn làm giàu. Đừng nghĩ họ chỉ quan tâm đến toàn cục hay vẻ bề ngoài. Tôi tin chắc những con người thành đạt đó thực sự nắm rõ về ngành nghề của họ hơn những kẻ tự xưng là chuyên gia, hay nhà chuyên môn chỉ biết nói nhăng nói cuội. Donald Trump chắc chắn không chỉ có tư duy kinh doanh, mà còn có tư duy về thiết kế hơn bất cứ tay kiến trúc sư hay thiết kế nào; Bill Gates không chỉ biết đến kiếm tiền mà còn nắm rõ các khối lập trình rồi diễn đạt nó cho đám lập trình viên, và còn rất nhiều bài học hữu ích từ những nhân vật nổi tiếng thành công khác nữa.

Tôi mê say tìm hiểu về Warrent Buffett qua cuốn sách Warrent Buffett – Sự hình thành một nhà tư bản Mỹ đã được Alpha Books xuất bản, đặc biệt là giai đoạn ấu thơ của ông. Bây giờ, nhiều người nói chỉ cần học các nguyên tắc đầu tư của ông là có thể kiếm tiền, giàu như ông. Này, đừng nhầm như thế. Đừng ảo tưởng rằng chỉ cần đọc qua loa vài nguyên tắc của ông rồi áp dụng nó để kiếm tiền. Nếu đọc kỹ hơn, bạn sẽ hiểu rằng, đằng sau những nguyên tắc tưởng như đơn giản chỉ cần học trong vài tuần là cả một quá khứ, bề dày kinh nghiệm hàng chục năm quen thuộc với các con số, quen thuộc với hoạt động doanh nghiệp…

Từ Henry Ford, Sam Walton cho đến Steve Jobs, tất cả họ đều giống nhau, tỉ mỉ trong từng chi tiết công việc với những kỹ năng tuyệt vời. Ai có thể tự tin rằng mình giỏi thuyết trình như Steve Jobs? Ai tự tin đã gõ búa nhiều như Henry Ford? Ai tự tin chú ý đến từng cái tăm, từng sợi chỉ trong từng cửa hàng bán lẻ như Sam Walton…? Trong tất cả mọi cuốn sách về các nhân vật lịch sử, chính trị gia, doanh nhân… tôi luôn dành mối quan tâm hàng đầu đến thời niên thiếu của họ. Tôi tò mò muốn tìm hiểu và khám phá xem họ đọc gì, làm gì, nghĩ như thế nào, rèn luyện ra sao… Sau này, nhiều hội thảo đều đề cập đến bí quyết làm giàu của W. Buffett và cuối cùng đưa ra lời khuyên rằng, hãy đầu tư theo cách của ông ta, bạn nhất định sẽ giàu. Thật điên rồ và ảo tưởng hết sức! Thử nghĩ xem, nếu bạn không có tố chất như W. Buffett, không nỗ lực rèn luyện suốt thuở thiếu thời, cũng không có kỹ năng thành thạo như ông, bạn sẽ không bao giờ giàu như ông ta chỉ thuần túy nhờ vào việc học các nguyên tắc đầu tư.

Sách không bao giờ đủ cho những người muốn rèn luyện kỹ năng, và đương nhiên, chúng ta không thể thiếu sách nếu muốn sở hữu những kỹ năng thành thạo. Một số cuốn sách mà theo tôi sẽ rất hữu ích đối với các bạn trẻ là Bộ S4S (gồm 50 điều trường học không dạy bạn, 20 điều cần làm trước khi rời ghế nhà trường, Bản CV hoàn hảo, Vượt qua thử thách trong phỏng vấn tuyển dụng) giúp các bạn trẻ trang bị nhiều kỹ năng cần thiết cho công cuộc tìm kiếm việc làm; Bộ Thật đơn giản: Thuyết trình, Phỏng vấn tuyển dụng, Quản lý dự án cung cấp cho bạn trẻ những bí quyết giúp bạn trau dồi được kỹ năng thuyết trình, thiết lập và quản lý các dự án công việc; hoặc gần đây nhất là những cuốn sách do Alpha Books biên soạn như Người giỏi không bởi học nhiều – chìa khóa tiếp cận với những kỹ năng sống và học tập thông minh để đat được những kết quả cao nhất; hay Những điều doanh nghiệp không dạy bạn – cung cấp những kỹ năng gần gũi và cơ bản nhất cần có đối với những sinh viên năm cuối hoặc những người vừa tốt nghiệp các trường đại học đang lao mình vào công cuộc tìm kiếm việc làm đầy tính cạnh tranh.

Bạn có thể đọc đến hàng trăm, hàng nghìn cuốn sách, nhưng điều then chốt nhất là bạn phải rèn luyện. Nếu muốn giỏi viết lách, bạn phải tập viết thư một trăm lần, thậm chí cả nghìn lần. Nếu muốn biết cách thuyết trình, bạn phải tập nói lưu loát, trình bày rõ ràng quan điểm của mình trước bạn bè, trước nhóm, rồi cho đến đám đông, không phải dăm mười lần mà hàng trăm, hàng nghìn lần. Nếu muốn lên kế hoạch tốt, bạn phải tập tành tỉ mỉ, chi tiết từ những bản kế hoạch nhỏ, dần dần đến kế hoạch cho những việc lớn hơn, kế hoạch cho 1 ngày, 1 tuần, rồi 1 tháng, 1 năm, 5 rồi 10 năm… Hãy hành động ngay từ hôm nay bằng cách trau dồi và hoàn thiện những kỹ năng của bản thân, nỗ lực làm việc, làm chủ cỗ xe thành công, làm chủ cuộc sống của bạn!

Chúc các bạn thành công!

Nguyễn Cảnh Bình – CEO Alpha Books

 
 

Tags: , ,

Những quyển sách các bạn trẻ nên đọc

Những quyển sách các bạn trẻ nên đọc

Những quyển sách các bạn trẻ nên đọc

Cuốn sách “Làm nên” cần thiết cho tất cả các bạn trẻ – những người bắt đầu bước chân vào cuộc sống, những người đang hoang mang tìm cho mình một lối đi. Tất cả mọi người sẽ tìm thấy những lời khuyên hữu ích cho mình ở đây. Hãy học theo, hãy rèn luyện, hãy kiên trì, chắc chắn bạn sẽ thành công…

Trong những tháng ngày ngồi ở giảng đường, tôi không quá chú tâm vào việc học, thậm chí có thể nói là rất sao nhãng. Tôi đã không học như cách mọi người. Mặc dù không biết liệu cách học cũng như cách làm việc của mình có đúng hay không, nhưng tôi thấy nhiều điều phải học lại ít có giá trị. Những thông tin tôi thu lượm ở trường đại học không nhiều. Tôi không hình dung được những điều đó hữu ích như thế nào đối với tôi sau này…

Bạn làm gì để trở thành một sinh viên nổi bật? Làm thế nào để bạn có những năm tháng trên giảng đường đại học thú vị nhất, trưởng thành nhất – tốt nghiệp đại học bằng xuất sắc, tham gia các hoạt động bổ ích, và khi ra trường xây dựng được một hồ sơ xin việc đẹp, có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp đại học?

Cuốn sách Người giỏi không bởi học nhiều do Alpha Books biên soạn sẽ cung cấp cho bạn những phương pháp dễ áp dụng nhất trong học tập cũng như rèn luyện phong cách sống, giúp bạn đạt được những điều trên, và còn hơn thế nữa.

Làm nên – Quyển sách gối đầu giường

Năm 1989, tôi bước chân vào giảng đường đại học. Cả một bầu trời tri thức, cả một thế giới với những điều mới lạ, cũng như đầy khó khăn mở ra trước mắt tôi. Tôi không còn là cậu học sinh phổ thông luôn làm theo những gì thầy cô giảng, mà thành công của tôi được quyết định bởi cách học và những gì tôi học. Học đại học có nghĩa là bạn phải biết cách tự học, nên học điều gì và bỏ qua cái gì. Đây là khoảng thời gian bắt đầu định hình tính cách, thói quen cũng như cá tính ở mỗi người.

Thế nhưng, những năm tháng sinh viên đầu đời, hầu như không có sách nào nói cho tôi biết những điều đó. Có đến 99% những gì chúng tôi tiếp nhận được vào thời gian này chỉ là những lời khuyên một chiều. Không ai dạy cho chúng tôi những lời khuyên dạng như “thời giờ quý nhất trong đời là những giờ nhàn rỗi. Tương lai của anh tùy thuộc vào cách anh sử dụng thời gian nhàn rỗi ấy hơn là những gì anh làm trong giờ làm việc – Lời khuyên số 7”. Tôi và những người bạn cứ mò mẫm, tự tìm cho mình những điều như vậy.

Năm tháng sinh viên qua đi, tôi chập chững bước vào đời cùng với những biến chuyển vô cùng lớn lao của nền kinh tế xã hội. Kinh tế tư nhân xuất hiện, mọi người bắt đầu phải lo nghĩ đến chuyện kiếm tiền, cũng như mình sẽ làm gì trong cuộc sống.

Trong những tháng ngày ngồi ở giảng đường, tôi không quá chú tâm vào việc học, thậm chí có thể nói là rất sao nhãng. Tôi đã không học như cách mọi người. Mặc dù không biết liệu cách học cũng như cách làm việc của mình có đúng hay không, nhưng tôi thấy nhiều điều phải học lại ít có giá trị. Những thông tin tôi thu lượm ở trường đại học không nhiều. Tôi không hình dung được những điều đó hữu ích như thế nào đối với tôi sau này.

Năm 1995, tôi tình cờ mua cuốn sách Làm nên. Tôi đã mê mải đọc nó chỉ trong một ngày. Làm nên đã trở thành sách gối đầu giường của tôi thời đó. Tôi đã đọc được ở đây những lời khuyên vô cùng giá trị và hữu ích mà không thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Đọc xong nó, tôi tự tin hơn với những suy nghĩ có phần “lệch lạc” so với lối suy nghĩ thông thường, so với những gì tôi thường được dạy. Tôi bắt đầu thay đổi cách dùng thời gian rảnh rỗi của mình. Tôi bớt đi cà phê, tụ tập với đám bạn mà tìm kiếm những việc hữu ích cho mình, đó là đọc sách và suy ngẫm, gặp gỡ những người giỏi hơn mình để trò chuyện, trao đổi…

Một trong những lời khuyên tôi tâm đắc nhất từ cuốn sách là Lời khuyên số 15 “Lỗi thông thường của bạn trẻ là ưa thích làm những công việc dễ dàng”. Ngay từ những năm tháng ở trường phổ thông, tôi đã chọn cho mình những việc khó nhất. Học trên lớp cũng như khi làm bài tập, tôi luôn lựa những bài khó nhất. Các bài kiểm tra thường có năm câu từ dễ đến khó, đám bạn thích làm câu dễ trước khó sau còn tôi thì ngược lại. Đến khi đi làm, tôi muốn chọn công việc khó khăn nhất, ít người dám làm nhất. Càng ít người dám làm, tôi lại càng hăng hái đảm trách, càng nhiều khó khăn, càng nhiều thách thức, tôi càng thấy hấp dẫn và lôi cuốn… Chính những thử thách đầu đời đó đã giúp tôi trở nên bản lĩnh hơn, dám làm những việc mà đám bạn cùng trang lứa né tránh, dám đi và dám làm những việc ngoài khuôn khổ… Những người xung quanh không hiểu vì sao tôi lại chọn những việc khó, trong khi hầu hết mọi người chọn việc dễ dàng. Cô em họ khi đó cứ thắc mắc và chê bai tôi: “Tại sao anh cứ chọn việc khó nhỉ, em chỉ thích công việc nhàn hạ. Anh làm việc khó hơn nhưng có được nhiều tiền hơn đâu”.

Bây giờ, nhìn lại 15 – 20 năm trước, tôi thấy mình đã đúng và tôi cũng thật may mắn khi đọc cuốn sách này. Nhờ chọn làm những việc khó, tôi đã trưởng thành rất nhanh, thành công hơn hẳn những người chọn công việc dễ dàng. Việc xử lý những vấn đề phức tạp ngay từ khi còn trẻ đã mang lại cho tôi nhiều kỹ năng hữu ích: giúp tôi học cách chịu áp lực lớn, giúp tôi trưởng thành, mạnh mẽ và tự tin để dám làm những công việc khó hơn sau này.

Kể từ đó và cho đến thời điểm năm 2000 – 2001, tôi vẫn thường lật lại những trang sách này để khắc sâu lời khuyên của H. Casson, để chiêm nghiệm những việc mình đã làm, để có động lực tốt hơn, kiên trì hơn cho công việc sắp tới. Tôi cũng thường ghi chép, đánh dấu những lời khuyên mà tôi thấy hữu ích nhất.

Sau này, khi các bạn trẻ hỏi tôi nên đọc cuốn sách nào, tôi đều khuyên tìm đọc Làm nên của H. Casson. Tuy nhiên, do cuốn sách xuất bản quá lâu và không được tái bản nên ngày nay các bạn trẻ khó có cơ hội tiếp cận. Hơn nữa, bản dịch của Phạm Cao Tùng cũng chưa được chau chuốt, nhiều lỗi… vì thế chúng tôi đã tiến hành hiệu đính, biên tập cho phù hợp với văn phong hiện đại.

Cuốn sách Làm nên cần thiết cho tất cả các bạn trẻ – những người bắt đầu bước chân vào cuộc sống, những người đang hoang mang tìm cho mình một lối đi. Tất cả mọi người sẽ tìm thấy những lời khuyên hữu ích cho mình ở đây. Hãy học theo, hãy rèn luyện, hãy kiên trì, chắc chắn bạn sẽ thành công.

Đây là cuốn đầu tiên dạy tôi làm thế nào để thành công trong cuộc sống, tôi đã làm theo và thành công. Vì thế, tôi tin rằng các bạn trẻ cũng sẽ thành công nếu làm như vậy.

Nguyễn Cảnh Bình

Chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc Alpha Books

 
 

Tags: , , , ,

Cuộc sống qua trang sách thiếu nhi – Kì 1: Ươm lại ước mơ

CUỘC SỐNG QUA TRANG SÁCH THIẾU NHI

PHẦN 1: ƯƠM LẠI ƯỚC MƠ

Giữa cuộc sống xô bồ, với ràng buộc về trách nhiệm trong các mối quan hệ và những định kiến xã hội, qua năm tháng, sống với đam mê dần trở thành việc hiếm có. Nhưng đâu đó trên những trang sách thiếu nhi, chúng ta có thể đánh thức lại giấc mơ từng một thời ấp ủ.

Nhà Giả Kim (1988) là cuốn sách nổi tiếng nhất của nhà văn Brasil Paulo Coelho, kể về quá trình cậu thanh niên trẻ Santiago theo đuổi ước mơ của mình. Cha mẹ Santiago đã dành dụm cả đời để cậu có thể học lên trường dòng, thế nhưng Santiago, đã nhận ra mục đích của cuộc đời cậu, đó là: “đi du hành”.

Tôi không thể nào quên đoạn văn miêu tả cách cậu thuyết phục gia đình, cách cậu đọc được trong ánh mắt người cha, cũng ước mơ chu du những tưởng đã bị lãng quên bởi nỗi lo toan về cái ăn, mặc, ở. Phút chốc tôi lại nhớ đến lời tâm sự từng bắt gặp, đó là nỗi niềm cô đơn của người con, người bạn khi không được gia đình, bạn bè ủng hộ, hay những giọt nước mắt khi vấp phải sự cản trở, phê phán của người thân.

Và nhiều câu nói trong truyện đã trở thành bất hủ:

“Khi bạn thật sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ hợp lại giúp bạn đạt được điều đó”

Câu nói khiến người đọc nhìn lại bản thân. Cuộc đời đầy những thăng trầm, chúng ta có thể may mắn vượt qua khó khăn một đôi lần, nhưng không thể mãi mãi, thành công và thất bại không phải nhờ may rủi. Người thành công phải có một đam mê thật sự, chính lòng đam mê này sẽ là động lực giúp họ có bản lĩnh đối diện với thử thách mà không bỏ dở, chính lòng đam mê này tạo niềm tin cho những người đối diện, từ đó thu hút được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn lực khác nhau.

Hay “Ai cũng biết người khác nên sống như thế nào, nhưng lại không hiểu mình nên sống ra sao”

Thói quen con người thường đưa ra nhận định dù không hiểu hết chuyện, hay không nhằm mục đích rút kinh nghiệm cho bản thân. Chúng ta hãy một lần đặt suy nghĩ, sẽ như thế nào nếu mình rơi vào tình huống bị mọi người phán xét? hoặc giả, đã từng tự hỏi ý nghĩa sống của mình là gì?…

Qua câu chuyện, chúng ta có thể đúc kết được bài học cho bản thân, nếu là các bậc phụ huynh, hãy giúp phát hiện, nuôi dưỡng và bên cạnh ủng hộ ước mơ cho trẻ, nếu là thanh niên, hãy dấn thân, nỗ lực để tìm kiếm và thực hiện ước mơ của chính mình.

 Hiệp Trần

 

Suy nghi về mối quan hệ

Người Việt nam cũng như đa số người ở khu vực Châu Á (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật…) trong công việc thường rất xem trọng các mối quan hệ. Ở Việt Nam, trong một lần hội thảo về kinh doanh, tôi đã đưa ra nhận định “ Ở Việt Nam, làm được không bằng được làm”. Điều đó có nghĩa là ở Việt Nam, dù cho bạn có khả năng làm được việc nhưng bạn không được phép làm thì mọi chuyện cũng như không, chẳng bằng những người không có khả năng làm việc nhưng được phép làm việc đó để từ đó bán cái, sang nhượng lại cho những người làm được.

Do đó, mấu chốt trong thành công ở Việt nam thường nằm ở “những mối quan hệ”. Nếu những mối quan hệ bạn đủ mạnh, đủ bền chặt, những đầu mối quan hệ của bạn có chức, có quyền, có cửa làm ăn lớn thì bạn sẽ thành công dễ dàng hơn rất nhiều người khác.

Từ việc đó dẫn đến văn hóa cả nể, lấy lòng nhau, “ được anh, được ả, được cả hai bên”. Vì để vuốt ve, nói khéo, tránh mích lòng nhau mà mọi việc tại Việt nam thường không được xử lý đến nơi, đến chốn; nhiều căn bệnh  không được xác định đúng nguyên nhân dẫn đến phương thức trị bệnh cũng sai.

Trong những cuộc họp, đúng ra là nơi những ý kiến công khai, minh bạch, rõ ràng, thẳng thắng phải được thể hiện thì đa số người lại vì sợ mích lòng nhau, vì sợ người khác, cấp dưới đánh giá sự thống nhất của Ban điều hành cho  nên những phát biểu chưa thực sự đóng góp, thiếu tính quyết liệt cần thiết, chưa thể hiện được quan điểm thật sự của người trình bày.  Người ta thường để dành những ý kiến đúng ra phải nói cho các tập thể cùng nghe, đem đi “ nói riêng”, “nói sau”… đa số vì sợ mất mối quan hệ.

Văn hóa tôn trọng người trên, dĩ hòa vi quý cũng có những đặc điểm tốt, thể hiện nét đẹp của văn hóa dân tộc nhưng xét về lâu dài thì có thể những hậu quả nặng nề về mặt xã hội và kinh tế.

 

Hai trong những chuyện rất thường gặp trong cuộc sống liên quan đến mối quan hệ là quan điểm “bằng vai phải lứa” và “đem cảm xúc cá nhân vào công việc”. Tại Việt Nam, không phải bạn có được sức khỏe, trí tuệ và quyết tâm là bạn có thể thành công trong cuộc sống. Nếu bạn chỉ ở tần “ trung trung”  thì bạn sẽ không bao giờ có được các mối quan hệ chất lượng ( với quan chức, đại gia, doanh nhân…) trừ khi bạn cho họ thấy những lợi ích rõ ràng nào đó. Điều này còn có nghĩa là khi xây dựng mối quan hệ, thông thường người Việt nam mình rất coi trong việc “bằng vai phải lứa”, tức là đòi hỏi đối tác phải có tuổi tác tương đương, chức vụ, địa vị xã hội, tiền bạc ngang tầm nhau thì mới chịu kết nối. Điều này gây khó khăn cho một số bạn tuy có khát vọng, có độ chân thành nhưng lại không thể kết nối với bậc cha chú, khiến cho công việc không thành. Đó cũng dẫn đến chuyện ở Việt Nam là nhân tài trẻ ít  được sử dụng và coi trọng đứng mức.

Ở việc thứ hai “đem cảm xúc cá nhân vào công việc” thì chúng ta nên nhìn nhận thế này. Ở Việt Nam, muốn được giao việc hay làm ăn chung, đòi hỏi phải có quan hệ. Tuy nhiên kể cả với những người thoáng đạt nhất, thì việc có cảm xúc cá nhân không tốt, dẫn đến việc không muốn kết giao với một ai đó là chuyện thường hay xảy ra. Đại loại như “ thằng này ở dơ, tôi không muốn gặp”, “đời tôi ghét ai mắt hý”…. Ngay trong những trường hợp này, việc dùng cảm xúc cá nhân để ảnh hưởng đến công việc cũng để lại nhiều thiệt hại không tốt. Tại công sở, nhất là những nơi có nhiều nữ làm việc, việc yêu, ghét, soi mói đời sống cá nhân… dần dần dẫn đến sự đổ vỡ những mối quan hệ và dẫn đến việc hoàn thành tiến độ công việc bị ảnh hưởng là một điều rất đáng lưu ý.

 

Tóm lại bài viết này, tôi cho rằng việc tư duy lại về mối quan hệ trong văn hóa và công việc kinh doanh cần được xem xét lại. Chỗ nào cần thực dụng hơn, chúng ta phải thực dụng hơn, chỗ nào cần kính nể nhau, chúng ta nên kính nể nhau. Những công việc nào cần thân tình, chúng ta vẫn thân tình. Những công việc nào cần xem xét công bằng, khách quan, chúng ta phải xem xét kỹ lưỡng và khách quan.

 

Nếu muốn tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh, có lẽ  nên bắt đầu dạy cho trẻ cấp 2 một loại tư duy mới về “quan hệ”.

 

Nguyễn Phi Hải

 

Tags: ,

Điểm chết kinh tế Việt Nam – Bài viết năm 2008

Khoảng độ một vài tháng trước, trong bài viết “Đầu tư tại Việt Nam”, tôi đã viết rằng vàng, chứng khoán và xăng sẽ lên. Thực tế bạn thấy rồi đó, tôi nói khá chính xác chứ.

Cũng trong bài viết đó, tôi đã nói lên hai đặc điểm chính của kinh tế VN hiện tại : bị quá nhiều thế lực chi phối (dĩ nhiên khi đã bị chi phối thì đó chỉ là nền kinh tế thị trường phân nửa) và không thể dự báo được ( bài viết khuyên bạn là đừng nên tin vào cha nội nào vỗ ngực bảo là : tao hiểu thì trường VN lắm…)

Và đây, tôi xin viết thêm một tý về một đặc điểm khác của kinh tế VN khiến cho các chuyên gia không thể nào dự đoán đúng được xu hướng thị trường. Nhiều khi, thị trường VN phát triển theo những xu hướng rất ư là phi lý.

Đầu tiên tôi xin kể bạn nghe chút về chứng bệnh lao. Không đến nỗi như AIDS, Lao cũng từng là một dịch bệnh gây kinh hoàng cho thế giới loài người.Người bệnh không chết ngày mà khó thở, ăn uống không được, ho ra máu và từ từ kiệt sức mà chết. Nói cách khác, lao cũng giống như AIDS ở chỗ nó làm giảm sức chiến đấu của hệ thống miễn dịch cơ thể. Khác nhau chỉ ở chỗ, AIDS thì hủy duyệt hệ miễn dịch trong một thời gian ngắn, lao thì bào mòn cơ thể trong một thời gian dài hơn.

Và tôi mạn phép được ví nền kinh tế Việt Nam cũng tương tự bệnh nhân đang bị lao. Không đến nỗi phải chết ngay hoặc vô vọng như bị AIDS, nền kinh tế ta bị bào mòn sức chiến đấu và không hề còn chút sức bật phát triển nào nữa. Và dĩ nhiên, tuy sự suy thoái này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, lúc bạn tưởng rằng bạn hết bệnh cũng có thể là lúc bạn thật sự ngã gục.

Chỉ số phát triển kinh tế từ giai đoạn 2005-2008 không có quá nhiều ý nghĩa. Chủ lực của chúng ta vẫn là xuất dầu thô, than đá, cà phê và gạo… Tức là chúng ta vẫn xuất thô và nhập siêu. Về dịch vụ, ngành CNTT của chúng ta không xuất khẩu được bất cứ cái gì khác ngoài chất xám. Nhân sự hàng đầu của ngành CNTT chúng ta hầu hết đang làmcho các công ty Nhật, Ấn và Mỹ. Các công ty TMA, FPT, Lac Viet thì hầu như chỉ chú tâm phát triển ERP trong lĩnh vực nội địa. Trong khi sức nhập của chúng ta thì càng lúc càng cao, nhập từ rác rến cho đến hàng siêu cao cấp. Và như thế, việc đồng tiền mất giá và kinh tế điêu đứng là điều không thể tránh khỏi.

Nhưng đó không phải là vấn đề. Nếu ứng dụng tốt các công cụ về quản lý kinh tế, thật chất chúng ta vẫn có thể khống chế được và không đến nỗi như cảnh bi đát ngày hôm nay.Chính phủ không thể khống chế giá cả hàng hóa, dân chúng thì kêu than, các công ty lớn của nước ngoài ở lĩnh vực quan trọng bắt đầu rút vốn khỏi Việt Nam.

Điểm chết của kinh tế VN mà tôi muốn nói đến ở đây là chúng ta thiếu số liệu thống kê chính xác.
Kinh tế là một môn khoa học và nó đòi hỏi sự chính xác. Sai lầm dù nhỏ nhặt đến đâu cũng sẽ dẫn đến tác hại không thể tưởng tượng được. Muốn tính toán chính xác đòi hỏi phải có số liệu thống kê chính xác. Điều đó ở VN hoàn toàn thiếu.
Chỉ đơn giản ở lĩnh vực thống kế Rating cho quảng cáo thôi, Scandal thời gian qua về việc công ty TVS bán số liệu thống kê không chính xác. Lúc đó nhiều người mới ngẫm ra được rằng hóa ra các số liệu thống kê của chúng ta chưa bao giờ chính xác.
Ngay cả công ty AC Nielsen được xem như công ty thống kê hàng đầu Việt Nam cũng chỉ bán được các thống kê đơn giản và manh múm. Kể cả các số liệu vể dân số và xu hướng tiêu dùng, giữa bản báo cáo của AC Nielsen và Cục thống kê Việt Nam cũng có các chỉ số có độ chênh lệch lớn, khiến cho các nhà đầu tư luôn luôn phải sử dụng cảm tính trong các quyết định của mình.
Trong chính khoán, cũng đã xảy ra nhiều hiện tượng như vậy. Khoảng đầu 2007, khi các bản thống kê của Nhà nước tỏ ra khá lạc quan về nền chính khoán, thì việc HSBC và Stanley Morgan tung ra hai bản báo cáo “hết hồn” đã làm cho nhiều người hoang mang. Và thực tế HSBC đã cảnh báo đúng về thị trường Việt Nam. Những tháng sau đó chính khoáng VN đã tuột dốc không phanh.
Thực ra HSBC và Stanley Morgan cũng không hẳn là tài giỏi gì hơn người Việt Nam ta. Vấn đề là khi chúng ta và các công ty chứng khoán VN sử dụng số liệu thống kê do các công ty độc lập và Cục thống kê nhà nước cũng như Thời báo Kinh tế VN thì hai ngân hàng trên lại sừ dụng số liệu của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF. Bảng số liệu này đã tham khảo qua tình hình chung và tình hình các nước lân cận như Thái Lan, Hồng Kong, Trung Quốc nên dù không chính xác tuyệt đối đã có tính hợp lý hơn hẵn các bảng số liệu của ta.
Làm kinh tế tuyệt đối không được cảm tính. Chúng ta phải nhìn nhận sai lầm của mình : không có số liệu thống kê chính xác và không có người đủ khả năng xử lý số liệu đó.
Một đất nước mà học sinh lớp 9 đã biết xác suất thống kê và lớp 10 đã học về đủ loại hàm số, Logarit mà không đào ra được một chuyên gia dự đoán kinh tế hàng đầu thì thực là khó hiểu. Khó hiểu hơn nữa khi báo chí Việt Nam khi phân tích hay phỏng đoán một điều khác , thông thường là bê kiến thức sách vở ra nói chuyện hoặc dùng các dẫn chứng từ các nước hàng xóm hay xa hơn là Âu, Mỹ.
Sớm hay muộn thì VN phải có 1 trung tâm xử lý số liệu tầm cỡ. Muộn thì chúng ta sẽ mắc sai lầm nhiều hơn.
Chính phủ hay nói các chuyên gia của chúng ta không phải không giỏi, không phải kém hơn chuyên gia nước ngoài. Mà ngay cả chuyên gia nước ngoài qua VN bây giờ thì cũng chỉ có những lời khuyên và những cảnh báo chung chung. Chúng ta cần số liệu chính xác.
Nếu không sớm khắc phục được hạn chế này thì chúng ta còn lao đao dài dài và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.


Bài viết này tôi viết năm 2008. 3 năm sau đến tận 2011, Việt nam vẫn chưa có một trung tâm xử lý số liệu chuyên nghiệp. Mặc dù ai cũng biết nếu có 1 trung tâm như thế ở Việt Nam ra đời, lợi nhuận đến từ trung tâm này là vô cùng lớn. Nhưng không ai chịu làm.

Hay tất cả chúng ta đều thích sống trong cảnh tranh tối tranh sáng? Rằng trong hoàn cảnh mọi thứ đều lờ mờ và không rõ ràng, chúng ta sẽ thoải mái làm việc hơn.

Vậy chúng ta nên chấp nhận hay không?

__________________
ZAG Village: True Happiness from the Inside
Nguyễn Phi Hải
 
1 Comment

Posted by on September 14, 2011 in Kinh tế, kinh doanh

 

MỲ ĂN LIỀN CHO HỆ THỐNG KIỂM SOÁT NỘI BỘ

Kiểm soát nội bộ (KSNB) được hiểu nôm na là những cách thức quản lý (bao gồm giảm thiểu rủi ro, tăng cường tính hiệu quả) tất cả các hoạt động của công ty, tổ chức, được cụ thể hóa bằng những chính sách, quy phạm, nhằm đảm bảo đạt đến mục tiêu một cách chất lượng nhất.

Hay nói ngắn gọn hơn, bản chất của KSNB chính là quản trị chất lượng. Vài ví dụ nhỏ để các bạn hiểu thế nào là quản trị chất lượng.

VD1: Hàng ngày bạn đọc tin trên báo, nếu bạn có tư duy về chất lượng, bạn sẽ đặt câu hỏi, liệu nguồn tin trên báo có đáng tin cậy hay không, bạn sẽ tiến hành kiểm tra, đầu tiên, bạn sẽ xem xét thương hiệu báo đó có uy tín hay không, sau đó, bạn sẽ tìm những thông tin tương tự ở những tờ báo khác, trong và ngoài nước thông qua search những “key word”,v.v…

VD2: Giả sử A nhờ B đi mua một chiếc cốc với mức giá trung bình trên thị trường là 5.000đ, nhưng khi B mang cốc về báo giá cho A là 10.000đ, A sẽ phải thắc mắc: giá có thể chênh lệch từ 1.000đ – 2.000đ, nhưng không thể tăng gấp đôi được, để làm rõ, A sẽ hỏi B chỗ mua ở đâu, chiếc cốc này có đặc biệt gì hơn chiếc cốc giá 5.000đ khác,v.v…

Như vậy, quản trị chất lượng không phải chỉ xuất hiện trong công ty, mà xuất hiện trong đời sống hàng ngày nếu chúng ta biết quan sát, lưu tâm về tính hợp lý, hiệu quả.

Thông thường, các doanh nghiệp nhỏ khi đưa ra quyết định đều ít quan tâm đến việc kiểm soát. Lấy VD2 để mô phỏng cho quyết định mua vật dụng trong doanh nghiệp nhỏ, thông thường sẽ để một nhân viên tự khảo giá tự mua, chủ doanh nghiệp thường chỉ quan tâm xem món đồ mình cần có xuất hiện hay chưa chứ ít quan tâm có thể mua món đồ với giá rẻ nhất (chất lượng tương đương) hay không. Đó gọi là chú trọng kết quả chứ ko để ý đến hiệu quả.

Cũng lấy VD2 để minh hoạ cho cách quản lý chất lượng:

Kiểm tra tính hợp lý:

Làm sao biết mức giá trung bình trên thị trường của chiếc cốc là 5.000đ? Nhân viên thu mua phải nộp cho chủ doanh nghiệp ít nhất 3 bảng báo giá của 1 mặt hàng cùng quy cách, từ đó doanh nghiệp sẽ xác định đươc mức giá trung bình, xác định được nhà cung cấp.

Kiểm tra tính hiệu quả:
Vấn đề ở đây là chi phí tốn cho việc kiểm tra tính hợp lý phải thấp hơn giá trị rủi ro thì doanh nghiệp mới cần kiểm soát. Trong VD2, nếu món hàng giá trị quá nhỏ, trong khi chi phí thời gian nhân viên dò giá, nộp lên chủ doanh nghiệp, đợi chủ doanh nghiệp quyết định lớn hơn rất nhiều, thì doanh nghiệp chấp nhận rủi ro này mà không cần kiểm soát.

Giải quyết vấn đề mang tính hệ thống chỉ có thể từ việc tuyển dụng nhân sự

Có nghĩa là mọi việc xuất phát từ con người. Chủ doanh nghiệp phải xác định được, những vị trí liên quan đến thu chi tiền cần sự trung thực, trong tình huống tình hình thực tế chất lượng nhân sự không cho phép, doanh nghiệp bắt buộc phải có ít nhất 1 người có đức tính này để kiểm soát những vị trí còn lại.

Nguyên tắc kiểm soát:

Mọi hoạt động đều phải có đối tượng khách quan kiểm soát, đối tượng khách quan đây có 2 hình thái:
– Con người: Luôn phải có 1 người chứng kiến hoạt động của người còn lại.
– Vật: chủ yếu là giấy tờ, khi nào cũng phải có ký tá xác nhận giữa các bên hữu quan.
nhằm mục đích: tránh rủi ro ngay tại thời điểm hoạt động, khắc phục sự cố khi xảy ra vấn đề (có bằng chứng, vật chứng).

Hiệp Trần
Zag Village: True happiness from the inside.

 
Leave a comment

Posted by on August 10, 2011 in Kinh tế, kinh doanh

 

Các trường phái sáng tạo

Các phương pháp nâng cao hiệu suất sáng tạo còn đang được khám phá. Số lượng phương pháp đã được phát minh có đến hàng trăm. Nội dung các phương pháp áp dụng có hiệu quả bao gồm:

* Não công: Đây là một phương pháp dùng để phát triển nhiều giải đáp sáng tạo cho một vấn đề. Phương pháp này hoạt động bằng cách tập trung sự suy nghĩ vào vấn đề đó; các ý niệm và hình ảnh về vấn đề trước hết được nêu ra một cách rất phóng khoáng và ngẫu nhiên theo dòng tư tưởng, càng nhiều thì càng đủ và càng tốt, rồi vấn đề được xem xét từ nhiều khía cạnh và nhiều cách (nhìn) khác nhau. Sau cùng các ý kiến sẽ được phân nhóm, đánh giá và tổng hợp thành các giải pháp cho vấn đề đã nêu.

* Thu thập ngẫu nhiên: là kĩ thuật cho phép liên kết một kiểu tư duy mới với kiểu tư duy đang được sử dụng. Cùng với sự có mặt của kiểu tư duy mới này thì tất cả các kinh nghiệm sẵn có cũng sẽ được nối vào với nhau. Phương pháp này rất hữu ích khi cần những ý kiến sáng rõ hay những tầm nhìn mới trong quá trình giải quyết một vấn đề. Đây là phương pháp có thể dùng bổ sung thêm cho quá trình tập kích não.

* Nới rộng khái niệm: là một cách để tìm ra các tiếp cận mới về một vấn đề khi mà tất cả các phương án giải quyết đương thời không còn dùng được. Phương pháp này triển khai nguyên tắc “lui một bước” để nới rộng tầm nhìn về vấn đề.

* Kích hoạt: Tác động chính của phương pháp này là để tư tưởng được thoát ra khỏi các nền nếp kiến thức cũ mà đã từng được dùng để giải quyết vấn đề. Chúng ta tư duy bằng cách nhận thức và trừu tượng hóa thành các kiểu rồi tạo phản ứng lại chúng. Các phản ứng đối đáp này dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ và sự hữu lý của các kinh nghiệm này. Tư tưởng của chúng ta thường ít vượt qua hoặc đứng bên ngoài của các kiểu mẫu cũ. Trong khi chúng ta có thể tìm ra câu trả lời như là một “kiểu khác” của vấn đề, thì cấu trúc não bộ sẽ gây khó khăn cho chúng ta để liên kết các lời giải này. Phương pháp kích hoạt sẽ làm nảy sinh các hướng giải quyết mới.

* 6 chiếc mũ tư duy (six thinking hats): là một kĩ thuật được nhằm giúp các cá thể có được nhiều cái nhìn về một đối tượng, những cái nhìn này sẽ khác nhiều so với một người thông thường có thể thấy được. Đây là một khuôn mẫu cho sự tư duy và nó có thể kết hợp thành lối suy nghĩ định hướng. Trong phương pháp này thì các phán xét có giá trị sẽ có chỗ đứng riêng của chúng, nhưng các phê phán đó sẽ không được phép thống trị như là thường thấy trong lối suy nghĩ thông thường. Phương pháp này được dùng chủ yếu là để kích thích lối suy nghĩ song song, toàn diện và tách riêng cá tính (như là bản ngã, các thành kiến,…) với chất lượng.

* DOIT: là phương pháp để gói gọn, hay kết hợp, các phương pháp tư duy sáng tạo lại với nhau và dẫn ra các phương pháp về sự xác định ý nghĩa và đánh giá của vấn đề. DOIT giúp tìm ra kỹ thuật sáng tạo nào là tốt nhất. Chữ DOIT là chữ viết tắt trong tiếng Anh bao gồm

D – Define problem nghĩa là Xác định vấn đề
O – Open mind and Apply creative techniques tức là Cởi mở ý tưởng và Áp dụng các kỹ thuật sáng tạo
I – Identify the best solution là Xác định lời giải đáp tốt nhất
T- Transform là Chuyển đổi

* Đơn vận: Đây là phương pháp mạnh giải quyết vấn đề bằng cách đem nó vào sự vận chuyển đơn nhất. Phương pháp này thích hợp để giải quyết những vấn đề trong môi trường kỹ nghệ sản xuất. Nó đưa phương pháp DOIT lên một mức độ tinh tế hơn. Thay vì nhìn sự sáng tạo như là một quá trình tuyến tính thì cái nhìn của đơn vận đưa quá trình này vào một vòng khép kín không đứt đoạn. Nghĩa là sự hoàn tất cùng với sự thực hiện tạo thành một chu kì dẫn tới chu kì mới nâng cao hơn của sự sáng tạo.

* Giản đồ ý: phương pháp này là một phương tiện mạnh để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Nó có thể dùng như một cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp hay để phân tích một vấn đề thành một dạng của lược đồ phân nhánh. Phương pháp này củng cố thêm khả năng liên lạc, liên hệ các dữ kiện với nhau cũng như nâng cao khả năng nhớ theo chuỗi dữ kiện xảy ra theo thời gian. Bằng cách dùng giản đồ ý, tổng thể của vấn đề được chỉ ra dưới dạng một hình trong đó các đối tượng được liên hệ với nhau bằng các đường nối. Với cách thức đó, các dữ liệu được ghi nhớ và nhìn nhận dễ dàng và nhanh chóng hơn.

* Tương tự hoá: xem vấn đề như là một đối tượng. So sánh đối tượng này với một đối tượng khác, có thể là bất kì, thường là những bộ phận hữu cơ của tự nhiên. Viết xuống tất cả những sự tương đồng của hai đối tượng, các tính chất về vật lý, hoá học, hình dạng, màu sắc… cũng như là chức năng và hoạt động. Sau đó, xem xét sâu hơn sự tương đồng của cả hai, xem có gì khác nhau và qua đó tìm thấy được những ý mới cho vấn đề.

* Tương tự hoá cưỡng bức: là một cách mở rộng tầm nhìn hay bóp méo những kiến thức hiện hữu để tạo ra những sáng kiến mới.

* Tư duy tổng hợp: là một quá trình phát hiện ra các mối liên hệ làm thống nhất các bộ phận mà tưởng chừng như là tách biệt. Đây là phương thức ghép đặt các sự kiện lại với nhau để mở ra một tầm nhìn mới cho tất cả các loại vấn đề. Phương pháp này không chỉ dùng trong nghiên cứu khoa học mà còn trong nhiều lĩnh vực khác như nghệ thuật, sáng tác… hay ngay cả trong lĩnh vực sử dụng tài hùng biện như chính trị, luật…
* Đảo lộn vấn đề (reversal): Đây là một phương pháp cổ điển được áp dụng triệt để về nhiều mặt trên một vấn đề nhằm tìm ra các thuộc tính chưa được thấy rõ và khả dĩ biến đổi được đối tượng cho phù hợp hơn.

* Cụ thể hoá và Tổng quát hoá

* TRIZ: (Viết tắt từ Nga ngữ Teoriya Resheniya Izobreatatelskikh Zadatch (Теория решения изобретательских задач), Anh ngữ:the Theory of Inventive Problem Solving) tức là Lý thuyết giải quyết sáng tạo cho vấn đề. Đây là lý thuyết sáng tạo được thống kê và tổng hợp thành 40 gợi ý khác nhau và được ghi ra cụ thể cho người áp dụng tùy theo tình huống của vấn đề.

Nhiều phương pháp trình bày trên đây vẫn còn được những người phát minh ra chúng giữ độc quyền trong việc đào tạo và in ấn các tài liệu giáo khoa.

Theo Trizvietnam

 
Leave a comment

Posted by on July 25, 2011 in Tư duy, sáng tạo

 

Tags: ,